1.
Khi làm việc với các em nhân viên, và sinh viên từ khối kỹ thuật, một ưu điểm của các em, nhưng cũng hàm chứa trong chính nó hạn chế là tư duy chính xác của các em.
Tư duy này về ưu điểm giúp cho các em làm gì cũng chỉnh chu, cụ thể, và lượng hoá. Nhưng có lẽ đâu đó trong cách đào tạo hiện nay, ưu điểm này lại hàm chứa hai nhược điểm cần làm rõ. Thứ nhất, chính xác được các bạn hiểu là một con số cụ thể và không thay đổi. Thứ hai, các bạn chỉ quen giải các bài toán cụ thể với đầy đủ các tham số chính xác, bất biến, do sếp đề ra, và tin rằng chỉ có 1 lời giải duy nhất đúng. Mà không thể tự mình đặt ra đề bài, và tự đặt ra các tham số cho bài toán của mình.
2.
Lấy một ví dụ nhé. Giả sử: bạn được giao lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc cho khách hàng.
Có hai loại đề bài:
Đề bài 1: em hãy lên kế hoạch tổ chức 1 bữa tiệc cho 20 người, với 10 món chính, 3 món tráng miệng, 3 loại rượu, và ngân sách là 3 triệu/ khách. Tổ chức ở khách sạn 5 sao.
Đề bài 2: em hãy lên kế hoạch cho một bữa tiệc cho khách hàng, anh cũng chưa biết chắc là bao nhiêu, cỡ từ 10-30 gì đó, em tính sao cho được được, ngân sách em tự lên, rồi báo cho anh.
Hầu hết các bạn rất mong có được loại đề bài 1, vì sẽ cụ thể và chính xác. Các bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi gặp đề bài loại 2, vì nó không có tham số gì cụ thể, các bạn phải tự tưởng tượng và gán các tham số. Khi gặp đề bài loại 2, rất nhiều bạn sẽ không giải được, hoặc nếu có thì chê trách là sếp toàn nói năng không cụ thể, ai biết đường nào mà làm.
Trên thực tế, đề bài loại 2 là phổ biến, không chỉ cho các vấn đề quản trị mà cả các bài toán kỹ thuật. Khách hàng đâu có biết cụ thể mình thích gì ở cái iphone 8, hay cái giường của mình, hay cái áo sơ mi có size, hay thiết kế, chức năng thế nào mà đặt ra đề bài loại 1 cho kỹ sư. Tự đặt ra đề bài, sáng tạo ra các tham số và giải nó chính là công việc quan trọng của tất cả những ai đi làm chuyên nghiệp. Chứ ai đó cho đề bài loại 1 và anh chỉ áp công thức vào để giải thì có gì mà khó. Giải đề loại 1 anh chỉ là thợ, mà sau này máy móc sẽ thay thế anh. Giải đề loại 2 anh còn có đất sống.
3.
Quay lại với đề 1, các bạn thường giải loại đề này còn mắc một vấn đề khác đó là cứng nhắc, rất khó thay đổi. Ví dụ sau khi bạn đã lên được 1 kế hoạch cho 20 khách, đúng như sếp yêu cầu, nhưng gần đến giờ khai mạc thì sếp lại báo có đến 25 khách tham dự. Bạn thường sẽ rất khó khăn để điều chỉnh, và nếu có thì cũng cho rằng sếp làm việc không có kế hoạch và mình có công rất lớn…
Bạn cũng chẳng sai. Nhưng thay đổi liên tục, thích nghi liên tục, tham số thay đổi liên tục cũng chính là một thực tiễn rất tất yếu của cuộc sống mà bạn cần thích nghi liên tục.
Loại đề thứ hai đòi hỏi trí tưởng tượng, tư duy trừu tượng, sự linh hoạt, khả năng phản ứng cấp kỳ, và có nhiều kế hoạch dự phòng cho các tình huống khác nhau. Giải đề này khó, nhưng nó cho ta không gian để sáng tạo và tư duy.
Thuật ngữ giải quyết vấn đề (Problem solving) thành ra hay bị hiểu sai là có vấn đề thì giải quyết, và trọng tâm đặt ở giải pháp. Trong khi trên thực tế xác định được vấn đề, xây dựng được bài toán để mà giải thì còn quan trọng hơn.
Thiếu hiện nay trong đào tạo hình như chính là thiếu dạy con người tư duy, tư duy trừu tượng, tư duy thiết kế bài toán.
Dũng Vũ