Tư duy, cũng như cơ thể, phải luyện tập mới mạnh khoẻ và sắc sảo. Tư duy phản biện đơn giản là nghệ thuật cải thiện chất lượng tư duy. Sau đây là tóm tắt 10 phút thảo luận đầu giờ của buổi học đầu tiên.
- Nhận diện khái niệm chính:
(Thầy) hỏi “tại sao các em muốn học lớp Tư duy phản biện?”
(Sinh viên) trả lời: “ba mẹ cứ bắt em làm nhiều thứ, mà em thì không cãi lại được”. (Cả lớp cười… đồng tình)
(Thầy) hỏi (cả lớp): rất hay. Ta thử phân tích phát biểu này nhé. Hãy chỉ ra các khái niệm chính trong câu nói trên, và có cách nào để cải thiện câu nói trên hay không?
(Sinh viên) trả lời: có hai khái niệm chính trong câu nói trên: “bắt” và “cãi”. Có thể cải thiện câu nói trên như sau: “ba mẹ hay đề nghị em làm nhiều việc, mà em thì không thể nào tranh luận lại được với ba mẹ”.
(Thầy) bình luận: ah, đúng là “bắt” và “cãi” là hai khái niệm chính. Đề xuất cải thiện câu nói thay “bắt” bằng “đề nghị” và “cãi” bằng “tranh luận” quả thực có cải thiện đáng kể câu phát biểu, nhưng nó cũng thay đổi đáng kể nội dung của phát biểu.
- Nhận diện và so sánh với các khái niệm gần nhau.
(Thầy) hỏi: “Bắt” khác với “đề nghị” thế nào? Và “cãi” khác với “tranh luận” thế nào?
(Sinh viên) trả lời: Bắt mang tính cưỡng bức, không có lựa chọn, không có ý kiến, buộc phải tuân theo. Đề nghị có thể cho một vài lựa chọn, và có thể thảo luận được, ít tính áp đặt và bắt buộc hơn. Cãi: người cãi chỉ thấy ý kiến của mình là đúng, mà không quan tâm đến ý kiến của người khác. Cãi hay là phản ứng của con khi bị cha mẹ bắt buộc. Cả hai có cùng thuộc tính là chỉ thấy cái lý của mình, không quan tâm đến cái lý của người khác trong cùng câu chuyện. Thế nên khi bị “bắt buộc” và “cãi ” thì thường căng thẳng và hai bên không thể đồng ý với nhau. Ngược lại tranh luận cho phép các bên trình bày ý kiến của mình. Mỗi bên đều tôn trọng lắng nghe ý kiến của bên kia. Thế nên khả năng tìm ra điểm chung và giải pháp là cao.
- Mở rộng vấn đề
(Thầy) hỏi lại: sau khi nghe các bạn phân tích, thì Ba mẹ em “bắt” hay “đề nghị” em?
(SV nghĩ) trả lời: đề nghị …. nhưng …. nói gì thì nói cũng phải làm theo ý của ba mẹ.
(Thầy) bình luận: như vậy ta đi từ độc đoán (bắt) , đến dân chủ hình thức (đề nghi , cho thảo luận, nhưng cuối cùng vẫn phải theo ý ba mẹ)… Nhưng liệu em đã có đủ khả năng tranh luận, trình bày ý kiến của em một cách hợp lý, đúng đắn, và trưởng thành chưa?
(SV) trả lời: chắc là chưa…
- Tìm giả thiết ẩn và đánh giá giả thiết này .
Sinh viên: Ba mẹ toàn bắt em …
Thầy: Còn ba mẹ em thì sẽ nói : con thì toàn cãi…
(Thầy) hỏi: tìm giả thiết ẩn trong hai câu nói trên?
(Sinh viên) trả lời: Trong câu “ba mẹ toàn bắt …” Có giả thiết là “bắt thì không tốt”. Còn trong câu “con thì toàn cãi” có giả thiết là “cãi thì không tốt”.
(Thầy): rất tốt. Hai giả thiết này có đúng không? Có lúc nào hai giả thiết này sai không? Có khi nào bắt và cãi cũng tốt không?
(Sinh viên): Nói chung bắt và cãi thì không tốt, nên hai giả thiết là hợp lý. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp hai giả thiết này sai, ví dụ khi con còn nhỏ chưa đủ hiểu biết, hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp phải ra quyết định ngay thì bắt có thể là tốt. Đối với cãi, có thể là con cố gắng muốn tranh luận và trình bày ý kiến của mình, nhưng cha mẹ lại không muốn lắng nghe nên biến thành cãi, và lúc đó “cãi” chưa chắc đã xấu.
Thảo luận với các bạn K2016 rất vui và hiệu quả, dù mới buổi đầu tiên.
Dũng Vũ
image source: unsplash