Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
HomeTư duy phản biệnTản mạn đọc truyện cổ điển

Tản mạn đọc truyện cổ điển

  1. Gần đây cứ hay mê mẩn đọc lại các tác phẩm cổ điển mà mình đã đọc có lẽ là không dưới 2-3 lần.

Đọc lại mới hiểu rõ tại sao phải đọc tiểu thuyết, phải đọc các tác phẩm cổ điển, mà tại sao có những cuốn sách gọi là bất hủ với thời gian, và cũng hiểu tại sao đọc đi đọc lại mà vẫn thấy hay.

2.

Đọc Không gia đình chẳng hạn. Lúc nhỏ đọc chỉ yêu cậu bé Remi côi cút, phải chia tay mẹ nuôi Barberin, mà theo gánh xiếc của cụ Vitalis, rồi yêu những chú khỉ Capi và mấy con chó nhỏ…trong trí tưởng tượng đến giờ vẫn như thấy cảnh cả đoàn xiếc chống chọi lại bão tuyết.

Lần này đọc lại thì lại thấy khác. Thấy cảnh gánh xiếc rong bị cảnh sát làm khó khi đang diễn ở 1 thành phố nhỏ, rồi ông Vitalis bị nhốt vào ngục, sau đó được mang ra trước toà để xử. Ông bị tuyên án 2 tháng tù giam. Remi lần đầu bơ vơ, côi cút, nhưng may mắn được gặp mẹ con Arthur cưu mang trên thuyền. Lúc này Remi hình như mới hơn 8 tuổi. Hai tháng ở với mẹ con Arthur thật như thiên đường với Remi, thế nhưng khi gần hết 2 tháng, cậu vẫn xin với bà mẹ cho phép cậu quay về với chủ là ông Vitalis. Bà mẹ rất lịch sự viết thư và gửi kèm tiền mua vé tàu gửi đến nhà giam cho ông Vitalis, và ông sau đó có thể đi tàu đến gặp bà và Remi. Dù rất muốn giữ Remi ở lại làm bạn với con mình, bà vẫn tôn trọng quyết định của ông Vitalis muốn đưa Remi đi cùng ông và ghánh xiếc. Vì ông nói: ở với bà Remi cuối cùng cũng giữ phận tôi tớ trá hình, còn ở với tôi, nó là con tôi, và tôi sẽ dạy dỗ, cho Remi nhiều kinh nghiệm sống mà nó cần để trưởng thành. Một bà quý tộc như mẹ của Arthur vẫn trân trọng và đồng ý cách nhìn của một ông chủ gánh xiếc rong, chạy ăn từng bữa.

Đọc đoạn này hôm nay có cái nhìn rất khác. Câu truyện được viết năm 1878 cách đây gần 140 năm (1.5 thế kỷ), thế mà cách hành xử của các bên đã hết sức văn minh. Gánh xiếc rong muốn diễn phải có giấy phép; cảnh sát bắt người phải mang ra toà; toà xử lắng nghe ý kiến của hai bên, phân xử, rồi định bản án; bà quý tộc dù rất yêu Remi và muốn Remi làm bạn với con mình vẫn rất tôn trọng xin phép người diễn xiếc rong đang bị tù; bé Remi dù rất thích được sống với mẹ con bà Arthur nhưng vẫn rất tự trọng và vẫn nhớ đến ông Vitalis; ông Vitalis dù nghèo nhưng rất tự trọng và có chính kiến cho quyết định của mình; ngoài ra cậu bé Remi quả thực được ông lão Vitalis dạy cho rất nhiều thứ, có thể nói ông đã mang cho cậu một nền học vấn tốt.

Cứ thử so sánh cái văn minh trên với hiện thực xã hội ta hiện nay mới thấy khoảng cách lớn như thế nào? Bảo sao người ta phát triển, mình cứ tụt lùi? Cái bất hủ của tác phẩm chính là sau 140 năm đọc lại vẫn thấy bài học, học hoài chưa xong.

3.

Đọc The Godfather bản tiếng Anh thì lại nảy sinh những câu hỏi và những lý giải mới cho riêng mình. Thứ nhất là có lẽ lối sống phóng khoáng (đãng), cách tư duy tự do của mình bị ảnh hưởng nhiều từ tác phẩm này (chăng?). Lúc đầu mình nghĩ là do mình đi học ở Mỹ, hay do đám bạn bè tiêm nhiễm, nhưng giờ thì thấy có lẽ nó đã hình thành từ nhỏ khi đọc tiểu thuyết. Ghi chú cho bản thân: cha mẹ cần chọn tác phẩm cho con đọc, nên đọc cùng con, và giải thích, lý giải, thảo luận. Cái này gia đình mình là tương đối tốt, nhưng có lẽ cũng khá tự do để mình muốn đọc gì thì đọc, cũng có thể tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực. Thế nên nói bố mẹ học cho con là vậy. Thứ hai là lần đọc này mình cảm nhận tình cảm gia đình, tình bạn, sự trung thành sâu sắc hơn nhiều, trong góc nhìn văn hoá Mỹ, Sicilian, văn hoá gia đình mình và góc nhìn Phật giáo. Thứ ba là ngôn ngữ tự nó hàm chứa văn hoá. Chẳng hiểu sao với cuốn này lại thấy bản dịch Việt ngữ và bản Tiếng Anh có thể cho hai cách cảm nhận văn hoá hoàn toàn khác?! Nhưng vẫn thích đọc đối sánh, để hiểu thêm tiếng Việt và tiếng Anh, và để ngưỡng mộ tài năng của các dịch giả.

  1. Đọc tiểu thuyết giúp hiểu con người, phát triển trí tưởng tượng, khả năng phân tích, năng lực ngôn ngữ, giàu cảm xúc, và được sống những đời sống thật kỳ lạ, bên những nhân vật kỳ lạ. Học văn, dạy văn có gì mà khó thế nhỉ? Giáo dục cũng có gì mà ghê gớm thế? Cụ Vitalis tự mình dạy Remi sau những giờ diễn, giữa cái đói và lạnh, mà vẫn cho em nền giáo dục rất tốt đó. Xoắn làm gì?

Dũng Vũ

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments