Tối qua đọc lại vô tình là chủ đề nói chuyện của mình với một cậu bạn mới quen ở English Hub. Bạn có vẻ ngạc nhiên khi mình nói năm qua mình đọc trên dưới 100 cuốn sách. Câu hỏi: đọc gì? lúc nào đọc? và đọc xong có nhớ không? học được gì từ đọc?
Trong mấy câu hỏi này, có lẽ câu đầu tiên cũng là mối quan tâm của mình. Ử, đọc gì?
Mình có trong đầu một số vấn đề quan tâm. Tuy nhiên mình không có một danh sách cụ thể được viết ra. Thường thì khi rảnh, một tuần 1-2 lần mình hay đi nhà sách (trước đây thì Xuân Thu, còn bây giờ thì Hà Nội), đi chỉ để giải trí như đi cafe, nhưng thường đi một mình, và thơ thẩn dạo quanh những giá sách. Chọn những cuốn nào ngẫu nhiên thấy quan tâm, đọc thử vài trang, và mua nếu thích.
Thói quen này có lẽ đã hình thành từ hồi nhỏ xíu, khi đó nhà mình rất nhiều sách do bố mẹ đều là giáo viên. Mình chỉ ý thức được nhà mình nhiều sách hơn nhà người khác khi có người bạn hàng xóm nhìn qua cửa và nói nhà này toàn sách.
Sách thì hình như càng ngày càng rẻ so với thu nhập. Mình nhớ hồi trước khi mới về BK (97-98) lương khoảng 800 ngàn/ tháng, đi nhà sách mỗi lần cũng mất 100-200 ngàn, phải suy nghĩ lắm. Vẫn còn nhớ phải tự động viên là, thôi kệ mua sách còn hơn đi chơi. Bây giờ đi mua sách, nhiều hôm lấy 4-5 cuốn sách, ra tính tiền chỉ khoảng 300-400. Khá rẻ. Kể cả sách tiếng Anh mua trên amazon cũng khá rẻ, tiểu thuyết cổ điển chỉ vài đô bản ebook, bản cứng có cuốn chỉ 1-2 đô. Tất nhiên sách chuyên môn thì vẫn đắt, như cuốn consumer behavior mình mua thì hình như cũng hơn 200 đô, nhưng nếu mua ebook thì cũng chỉ hơn 60 đô. Đó là nói ấn bản mới nhất, chứ nếu mua ấn bản cũ hơn một chút, used books thì còn rẻ nữa. Nói chung sách bây giờ không quá đắt.
Lúc nhỏ thì hầu hết là đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, những Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Hồng Thất Công, rồi vô vàn thứ như Tam Quốc, Thuỷ Hử, Đông châu liệt quốc, Trăm năm cô đơn, Sử ký Tư Mã Thiên, Bên kia bờ ảo vọng, Những con chim ẩn mình chờ chết, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hoà bình, thơ Puskin, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Ngàn lẻ một đêm, Sherlock Holmes, Don Kihote (Đông ki sốt), Đèn không hắt bóng, rồi thì Hoàng Lê nhất thống chí, Lều chõng, Đắc nhân tâm….ah còn tiểu thuyết lãng mạn của Nữ sĩ Quỳnh Dao nữa. Nói chung lúc bé cứ có cuốn nào là đọc cuốn đó, sách dày mỏng gì cũng đọc, đọc nhanh, ngấu nghiến.
Vào đại học thì năm 1 hay nhìn bộ sách Kinh Tế Học – được dịch ra tiếng Việt, khá đồ sộ và mắc tiền. Sau đó cũng để dành tiền và mua. Học tiếng Anh thì mê mua tự điển các loại, đến nỗi sinh nhật các bạn cũng mua từ điển để tặng!
Lúc đi bắt đầu đi dạy, khi đó phải dạy môn khá khó là Lịch sử các học thuyết kinh tế và kinh tế học kinh doanh (History of economic theories/ Managerial Econmics/ Business Economics). Môn này thường sinh viên không thích. Nhưng khi tiếp cận thì mình rất thích, bắt đầu đọc lại từ Adam Smith, Devid Ricardo, đến Keynes, đến Samuelson…và tất nhiên đọc cả kinh tế chính trị của Marx. Lần đầu tiên hiểu rõ các tư tưởng và cách tiếp cận của Marx, cũng khá bổ sung cho góc nhìn kinh tế học. Lúc đó tuy nội lực còn non nớt, nhưng nhiệt tình và áp lực “trả nợ tri thức” cho sinh viên rất cao, nên đọc rất nhiều và đa dạng. Các sách lịch sử thế giới, Việt nam đều mua về khá nhiều.
Đi Mỹ thì đọc sách về science, articles, research, methodology, marketing, tiểu thuyết, Harry Porter. Giờ thì đọc Thầy Thích Nhất Hạnh, Cao Huy Thuần, về Phật giáo, về triết, về văn học, về tư tưởng, về giáo dục. Nói chung mùa nào thức đó, đủ thứ thập cẩm. Đọc để đọc, và đọc để giải trí, không quá gò ép. Cuốn nào chán thì bỏ dở.
Bạn hỏi đọc thế có nhớ? Nói chung thì quên. Nhưng mà lại nhớ. Cái này khá hay. Nhiều khi hỏi lại thì không nhớ, nhưng khi lên lớp hay khi cần vận dụng một kiến thức nào đó thì có vẻ như chưa bao giờ một cuốn sách nào mình đọc mà phí phạm cả, tự nhiên thế nào cũng có lúc xài đến, chuyện cứ tự nó tuôn ra khi cần dùng.
Đọc có gì hay? Đọc cho mình trí tưởng tượng vô cùng phong phú, hiểu tâm lý nhân vật, và sống đời sống của rất nhiều nhân vật kỳ lạ. Có lẽ trong con người mình hôm nay thế nào cũng phải có một chút Tỉnh ca ca, chút Quá nhi, chút Dung muội, chút Đông tà và nhiều chút chút khác nữa. Đọc cũng cho mình sự can đảm và khí phách của các nhân vật!
Đọc rồi thì làm gi? Thì sống, thì dạy học, thì làm, thì viết, rồi lại đọc!
Đọc với tinh thần nào? Học hỏi, nghiền ngẫm, và phản biện, đôi khi cũng nóng nảy bức xúc, hay ngậm ngùi cho nhân vật. Nói chung vừa duy lý mà vừa duy tình, chẳng biết cái nào nhiều hơn.
Có đọc sách “ngoài luồng”, sách xxx không? Có, chắc chắn. Khi nào? Khi nhỏ, bạn bè truyền tay nhau các tập truyện chép tay. Và cả khi lớn, đọc ngôn tình và đọc cả level nặng hơn nữa. Có bị ảnh hưởng xấu không? Chắc không đến nỗi, mỗi thứ đều là một thành phần của cuộc sống, một chút vi khuẩn có lẽ tốt hơn cho kháng thể của chúng ta. Và cũng giúp trí tưởng tượng của lũ thanh niên mới lớn bay xa hơn.
Dự kiến: năm nay đọc nhiều và viết nhiều trở lại, đang xây dựng tủ sách oisp và muốn kêu gọi làm 1 tủ sách tiếng Anh cho English Hub để mọi người cùng đọc.
Dzung Vu
image source: unsplash