Thứ năm, Tháng tư 17, 2025
HomeTư duy phản biệnChuyện luận án Tiến sĩ

Chuyện luận án Tiến sĩ

Trong loạt “ném đá” các luận án tiến sĩ hiện nay, có mấy chuyện nên làm rõ:

  1. Chỉ đọc tên đề tài mà chưa đọc nội dung thì rõ ràng không nên chê bai. Luận án tiến sĩ là sản phẩm khoa học đặc thù, phải có chuyên môn đúng chuyên ngành mới nhận xét chính xác được.
  2. Tuy nhiên, nói đi thì nói lại, đọc tên đề tài cũng có thể đánh giá chút ít, và có thể đặt hoài nghi về đề tài. Sẽ phân tích ở đoạn sau.
  3. Đề tài tiến sĩ có phải để giải bài toán thực tiễn? Không nhất thiết. Thường luận văn tiến sĩ sẽ được đánh giá trên phương diện lý thuyết: nó có đóng góp gì mới cho tri thức nhân loại bằng việc nó lấp 1 khoản trống lý thuyết nào đó mà giới nghiên cứu chưa giải quyết được. Sau đó mới là hàm ý thực tiễn, nó có thể giúp giải bài toàn thực tiễn nào.
  4. Giải các vấn đề cụ thể của thực tiễn là yêu cầu của các đề tài đặt hàng thực tiễn cho các nhà nghiên cứu (có thể có bằng tiến sĩ hay không).
  5. Đánh giá 1 luận án thường trên một số phương diện: vấn đề nghiên cứu, đóng góp vào tri thức nhân loại của luận án, phương pháp nghiên cứu, kết quả. Đấy là hội đồng chấm. Còn 1 thang đo nữa là bài báo khoa học được phản biện kín và cho xuất bản ở các tạp chí chuyên ngành. Được xuất bản trên báo uy tín thì luận án tốt. Khi xuất bản sẽ có rất nhiều bạn đọc là các chuyên gia trong ngành, nếu được các chuyên gia này sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu của họ thì đề tài thực sự có chỗ đứng trong đời sống khoa học và xã hội.
  6. Vậy nên hội đồng chấm chỉ là 1 kênh, còn 2 kênh nữa sẽ do thời gian quyết định. Có thể xem danh mục các bài báo xuất bản từ các nghiên cứu này trong các năm qua sẽ rõ hơn về chất lượng đào tạo. Như vậy bạn nào muốn khẳng định nghi ngờ của mình về chất lượng đào tạo tiến sĩ thì nên tìm thử danh mục xuất bản của trường này từ các luận án tiến sĩ của họ.
  7. Luận văn tiến sĩ cũng chỉ là một sản phẩm khoa học đầu tay của các tiến sĩ. Nó chỉ khẳng định rằng anh đã biết làm nghiên cứu một cách khoa học, và bây giờ anh có thể bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Thế nên cũng không cần quá căng thẳng với nó.

Thử xem xét tên đề tài mà facebook đưa: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”. Bạn Ngô Minh Trí có tìm thử và thấy có đề tài ở Mỹ thực hiện với tên tương tự: “Local government – citizen relationship: using coorientation approach to analyse relationship effectiveness”. Thoạt nhìn hai tên đề tài có vẻ tương tự. Nhưng nếu là người có chuyên môn thì có thể thấy mấy thứ:

–          Đề tài của Mỹ mang tính khái quát hóa cao: Local government – citizen relationship. Còn đề tài Việt Nam “dân và chủ tịch xã” tính khái quát hóa yếu hơn. Thực ra cũng được tuy nhiên thường thì sẽ ghi thế này: “dân và chính quyền địa phương: một nghiên cứu ở cấp phường, xã”, nghĩa là nghiên cứu ở cấp địa phương nhưng mẫu nghiên cứu là chính quyền xã.

–          Đề tài Mỹ khái niệm lý thuyết là rõ: coorientation approach và relationship effectiveness. Đều là các khái niệm/ vấn đề lý thuyết được phát biểu rõ ràng, tường minh. Ở đề tài VN: đặc điểm giao tiếp” cũng có thể là 1 khái niệm lý thuyết nhưng có vẻ như nó khá lỏng lẻo và giống như một phát biểu trong đời sống hơn một phát biểu mang tính hàn lâm. Ngoài ra, tên đề tài Việt Nam mang tính khám phá (exploratory research) nhiều hơn. Đề tài mang tính khám phá nghĩa là một đề tài mới, chưa có nhiều nghiên cứu trước đây thực hiện, chưa có nhiều lý thuyết dẫn đường. Cách trả lời trong họp báo hôm này của Viện cũng thể hiện tính khám phá này. Nhưng chủ quan thì mình nghĩ đề tài này thế giới làm nhiều, không có gì là khám phá. Mà nếu là thì mang tính nghiên cứu so sánh comparative study – nghĩa là so sánh kết quả Việt Nam và thế giới.

–          Thế nên, một cách rất chủ quan, mà nhận xét từ tên đề tài thì có 2 điểm chưa mạnh: tính khái quát hóa và khái niệm lý thuyết chưa rõ. Ngoài ra đề tài có hơi hướng của một đề tài khám phá – thường không được đánh giá cao lắm. (Tất nhiên cũng sẽ rất tốt nếu là grounded theory- nhưng chắc không phải).

Viết bài này không phải để ném đá mà để sinh viên có thể hiểu rõ cách tiếp cận trong khoa học mà thôi.

Dũng Vũ

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments