Chẳng biết từ khi nào hai từ “Bức xúc” trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người. Dần dần bức xúc trở thành phong trào, đặc biệt lan rộng và nhanh khi các mạng xã hội ngày càng phát triển. Đi cùng khái niệm này có lẽ là khái niệm “anh hùng bàn phím” – thuật ngữ rất tượng hình, mô tả những người chuyên chém gió trên mạng và đặc biệt nguy hiểm khi chém vào các bức xúc.
Bản thân mình cũng có khi bức xúc, nhưng nói chung phản ứng có khác. Không thích lắm từ này, nhưng cũng chưa nghĩ nhiều về nó. Gần đây mình cũng là nạn nhân của các bức xúc, nên lấy dịp này để suy ngẫm sâu sắc hơn về nó. Theo mình bức xúc của đám đông hiện nay là một hiện tượng xã hội có xuất phát điểm từ hai nguyên nhân. Một là đám đông mất niềm tin sâu sắc. Và hai là, đám đông thiếu tiếng nói phản biện sâu sắc dựa trên các phân tích khách quan, khoa học, và các bằng chứng xác thực.
Đầu tiên là nói về niềm tin. Hình như bây giờ chúng ta chẳng còn tin ai, chẳng còn biết tin vào đâu, vào cái gì. Có rất nhiều minh chứng về chuyện này. Câu chuyện sáng qua về người phụ nữ ở Đà Nẵng là một minh chứng. Chị bị gẫy chân, nhập viện, bác sĩ mổ cho chị, sau khi mổ vẫn tỉnh táo, nhưng đến khuya thì có biến chứng xấu, chị mất khi gần sáng. Người nhà phẫn nộ, bức xúc không chịu đưa chị về chôn cất vì “chỉ gẫy chân mà chết thì thật vô lý”. Hội đồng y khoa của bệnh viện, có mặt Giám đốc sở y tế, sau khi họp xác nhận mọi qui trình y khoa là hợp lý và bác sĩ đã rất nỗ lực. Tuy nhiên dù giải thích thế nào, người nhà và nhiều người khác (kể cả các bạn đang đọc dòng chữ này) đều không tin, không chấp nhận. Mình nghĩ nếu có pháp y, nếu Bộ trưởng y tế, hay Bí thư T có tham gia và xác nhận các bác sĩ làm đúng, thì chắc rất nhiều người vẫn không chấp nhận, không tin. Mình không có ý kết luận ai đúng, ai sai. Mình chỉ lấy ví dụ này để nói rằng mất niềm tin đang là căn bệnh lớn của xã hội, nó là nguồn cơn của các bức xúc. Nếu có niềm tin vào hệ thống y tế, vào y đức, vào chuyên môn của bác sĩ thì câu chuyện dù đau buồn vẫn có kết cục khác. Trong câu chuyện này, ngành y chỉ là một ví dụ, mà các ngành khác, giáo dục, hải quan, công an, toà án….đều có chung cảnh ngộ. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng mất niềm tin chỉ diễn ra trong quan hệ của công dân với các cơ quan công quyền hay dịch vụ công, nó diễn ra cũng sâu sắc như thế trong quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng, và thậm chí trong từng gia đình.
Trong quản lý, chi phí quản lý một hệ thống thiếu niềm tin cực cao. Nếu bạn không tin nhân viên mình thì luôn phải kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tốn kém tiền bạc, công sức. Câu chuyện tương tự cho nhân viên không tin sếp, khách hàng không tin nhà cung cấp…Đã không tin thì chuyện gì cũng khó giải quyết.
Vì đâu nên nỗi? Chắc có nhiều nguyên nhân. Nhưng quan sát báo chí mấy hôm nay chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, mình chợt nghĩ phải chăng đây là lý do chính. Báo chí liên tục đưa tin về việc số lượng người dân tự ứng cử tăng cao, nghệ sĩ chỉ hát hay thôi mà ứng cử thì chưa đạt, số ứng viên ngoài Đảng quá đông…và hầu hết các tin đều đưa theo hướng tiêu cực. Thật kỳ lạ, người dân càng quan tâm và có ý thức công dân cao thì nhà nước càng phải mừng chứ. Thế nhưng điều ngược lại đang diễn ra.
Không được chọn người mình đại diện, không được tự do ứng cử, nên không tin và cũng không quan tâm đến chuyện đất nước, thế nên khi gặp bất cứ chuyện gì, đáng lẽ phải bình tâm suy xét, tìm hiểu khách quan, thì người dân mất niềm tin quay sang bức xúc. Họ trút giận lên mọi thứ không cần phân biệt đúng sai (nguyên nhân thứ hai của bức xúc). Họ chẳng cần ai giải thích, họ chẳng tin ai, kể cả những người đức cao vọng trọng của xã hội.
Khi quyền căn bản của xã hội bị vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm, xã hội sẽ tràn ngập những bức xúc vì mất niềm tin. Và hệ luỵ là đạo đức ngày một suy thoái, vì mất niềm tin lan thành căn bệnh ung thư chung, trò mất niềm tin vào thầy, bệnh nhân mất niềm tin vào bác sĩ, cư dân mất niềm tin vào chính quyền, con cái mất niềm tin vào cha mẹ. Viết đến đây là để chia sẻ với các bức xúc. Với bản thân mình, mình vẫn luôn cố gắng tỉnh táo, khách quan, nhận định đa chiều và trách nhiệm trước khi có những ý kiến. Ở một cảm giác cá nhân, mình vẫn cho rằng chỉ bức xúc thôi thì chưa đủ, phải có trách nhiệm nữa, trách nhiệm đóng góp bằng hành động để gia tăng niềm tin của xã hội. Và mình vẫn giữ niềm tin của mình vào cái tốt, dù ngây thơ!
Dzung Vu