Thứ năm, Tháng tư 24, 2025
HomeTư duy phản biệnTư duy hay về lịch sử

Tư duy hay về lịch sử

maps lying on the floorMọi người chán lịch sử. Chuyện cũng chẳng mới. Thời mình nhỏ, học lịch sử cũng chán òm. Toàn những con số, toàn địch thua, ta thắng, khô, giáo điều.

Đi làm, sống, lịch sử lại thành ra quan trọng. Trong xử lý công việc, mình hay yêu cầu yêu cầu nhân viên có tư duy lịch sử.

Thế nào là tư duy lịch sử?

Các nhân viên hay đưa ra các đề xuất cải tiến, thay đổi, làm mới. Mình luôn khuyến khích cái mới. Nhưng trước khi khuyến khích cái mới, mình luôn yêu cầu các em trả lời câu hỏi: trước đây việc này được làm thế nào? Tại sao nó đã được làm như thế? Tại sao đề xuất (mới) này của em trông có vẻ hay tại sao đã không được cân nhắc trước đây? Nếu đã được cân nhắc, tại sao nó đã không được chọn?

Khi hiểu rõ bối cảnh lịch sử, các đề xuất mới nếu đứng vững sẽ thực sự có tính kế thừa truyền thống, còn không thì nó là các đề xuất tưởng mới chứ không mới. Tình trạng này xảy ra rất thường xuyên khi tổ chức biến động nhân sự, có nhiều năm lịch sử nhưng không có cơ chế lưu trữ- chia sẻ kiến thức tổ chức một cách hiệu quả. Nên rất nhiều các đề xuất cải tiến mang tính lặp lại những vấp ngã trong quá khứ.

Chuyện rất hay xảy ra trong các tổ chức là, nhân sự mới vào thì chê nhân sự cũ, rồi hớn hở, hào hứng đề xuất ý tưởng mới. Mới là tốt, nhưng nếu không hiểu rõ vì sao quá khứ đã như thế hoặc đã không như thế, thì mới đó thường chẳng mới.

Lấy một ví dụ nhỏ: từ 2010 cứ tết là OISP tổ chức tất niên và tổng kết một năm làm việc tại Vũng Tàu hay Phan Thiết. Những năm đầu chỉ đi nghỉ ngơi. Hình như đến 2013 thì có kết hợp họp tổng kết vào buổi sáng hôm đầu tiên. Qua 2014 thì bỏ cuộc họp này mà tổ chức thành một cuộc họp riêng trước ngày tất niên vì mọi người không muốn đi chơi mà phải họp.

Gần Tết 2016, họp giao ban. Hành chính đề xuất chọn 1 ngày để họp tổng kết trước khi đi tất niên. Lập tức có các ý kiến phản đối mà đề xuất kết hợp cuộc họp vào chuyến đi Tất niên. Ai nghe cũng phấn khởi nghĩ là đề xuất mang tính “đột phá”. Mình cũng thế, nhưng may là có tư duy lịch sử, nhớ lại chuyện xưa, thế nên cả nhà mới hiểu là quên lịch sử thì cứ suốt ngày lòng vòng nhưng lại tưởng đang làm cách mạng!

Chuyện khác, năm 2010 OISP khó lắm mới có thể có đồng phục cho nhân viên. Ai cũng xúng xính, ai cũng tự hào. 2014, 2015 bắt đầu có làn sóng đòi cho mặc đồ tự do, để thoải mái, để tự do sáng tạo. Nên quyết định thế nào? Nghĩ đến lịch sử trước. Vì sao trước đây cho mặc tự do thì lại rất thèm đồng phục? Tất nhiên trước khác, nay khác, nhưng cứ trả lời các câu hỏi lịch sử trước, rồi bước tới bỏ đồng phục cũng chưa muộn.

Chuyện nhỏ nhưng mà phổ biến lắm. Trong một gia đình, một tổ chức, một dân tộc, bỏ đi một truyền thống, bỏ đi một hoạt động, thêm vào những thứ khác là chuyện thường ngày, nhưng mà trước khi làm có lẽ nên hiểu và trân trọng quá khứ.

Thế nên, để làm “cách mạng”, để đi đến phía trước lại cần lịch sử. 6-7 năm nay, cứ cuối năm là OISP phải viết Ký sự, là để sau này có cái mà truyền thừa, để lớp sau kế thừa lớp trước mà khỏi lòng vòng.

Hôm nay tạm nhìn lịch sử chỉ đơn giản thế. Bữa nào rảnh kể chuyện lịch sử cao thâm hơn tí!flat ray photography of book, pencil, camera, and with lens

Chuyện viết riêng cho OISP. Tư duy lịch sử còn giúp chúng ta có cái nhìn khách quan và trung thực hơn. Ví dụ: 2009, OISP mới thành lập, cần tổ chức 1 lớp ôn tập Toán – Lý – Hóa để cho các em sv rớt đại học, nếu muốn học liên kết thì ôn tập và sau đó dự thi kỳ thi nội bộ của BK. Thời điểm mở lớp là tháng 7/2009, rất khó khăn vì số sinh viên chỉ 3-4 bạn đăng ký. Học phí không đủ để mở lớp. Lỗ vẫn phải mở lớp vì để có nguồn đầu vào cho sau này. Rất khó mời thầy cô. Nhưng may mắn đến khi khóa học kết thúc thì có gần 20 bạn tham gia. Chi phí được bù đắp và có chút thặng dư. Trong một cuộc họp vào tháng 10, đã có ý kiến từ các bên trong trường hỏi, ai cho phép mở lớp, tại sao không kết hợp với Trung tâm luyện thi của trường (lập luận là đơn vị này có chức năng làm việc này còn OISP thì không). Nhìn vào thời điểm tháng 10/2009 khi tuyển sinh đã xong và đã có thặng dư thì ai cũng nghĩ là mở lớp thật hấp dẫn quá. Nhưng với tư duy lịch sử, thì sẽ biết quyết định mở lớp chưa bao giờ dễ dàng và rủi ro rất cao. Lúc đó mời, có trung tâm nào thèm quan tâm. Tương tự như vậy trung tâm ngoại ngữ cũng luôn có nhiều ý kiến trong 2 năm liên tiếp về việc OISP mở lớp tiếng Anh. Nếu không có tư duy lịch sử, không thể phán xét khách quan.

Chuyện gần đây, tuyển sinh 2015. Sau một mùa tuyển sinh thành công. Ai cũng nghĩ công đầu là mình. Các phòng đều cho rằng mình có công, và OISP được hưởng thành quả là nhờ công của người khác và ăn may. Tất nhiên ở đây không phủ nhận các đóng góp của yếu tố môi trường cũng như đóng góp lớn của các bên. Nhưng dùng tư duy lịch sử để nhớ lại thì:

–          Trong lịch sử tuyển sinh của mình, OISP luôn độc lập tuyển sinh, và luôn đạt hiệu quả cao

–          Tháng 4-7/2015, thực sự không dễ dàng, cả OISP căng mình để suy nghĩ các phương án tư vấn tuyển sinh trong bối cảnh mới. Rất nhiều kịch bản, phương án đã được chuẩn bị.

–          Vấn để không phải (chỉ là) ai có công. Vấn đề là với góc nhìn lịch sử, ta sẽ có những bài học chính xác để đi tới phía trước.

Viết những chuyện này không phải để tranh giỏi, tranh công, mà để chúng ta có phương pháp mà làm việc, mà tiến đến phía trước, mà vẫn sống hài hòa- khiêm cung với bạn bè đồng nghiệp xung quanh.

brown pencil on white book beside black eyeglasses

Dũng Vũ

Image source: unsplash

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments