1.
Đi ăn đám cưới, ở chỗ cũng sang sang, thấy mọi chuyện quá nhàm chán, quá công thức, từ bài hát, đến múa, đến trang trí, đến MC, đến cắt bánh, đến ăn, đến khách, và cả đến cô dâu chú rể…đều công thức, đều chẳng có gì mới, chỉ có hào nhoáng hơn.
Chợt hiểu rõ 1 chuyện, chính trong cái nhàm chán, cái công thức, sẽ nảy sinh cơ hội cho đổi mới. Hãy nhìn xung quanh, chỗ nào cần mà tẻ nhạt, sẽ là chỗ cho đổi mới, cho khởi nghiệp.
Thế nên, khi nào chê cái gì chán, khi nào thấy cuộc đời mình chán, thì hãy nhìn cho kỹ, có khi lại là cơ hội quý.
2.
Hôm nay dậy sớm nhìn thiên tượng, tự nhiên hỏi “nếu facebook đóng cửa thì sao?”, bà con vào comment hăng say, tựu chung hoặc là không tin chuyện sẽ xảy ra, hoặc là lo lắng bị ảnh hưởng kinh doanh.
Chuyện có thể là đùa, nhưng bản chất thì luôn thế, có cái gì tồn tại mãi đâu. Trước quảng cáo Tuổi trẻ dày đặc, sau này đua nhau SEO, rồi giờ lên face. 2013 khi OISP thành công với face, mình đã khẳng định là đừng có chỉ bám vào face, khi tất cả thiên hạ lên face thì ta phải đi chỗ khác kiếm sống.
Nokia ở đỉnh cao, chẳng chết đó sao, Iphone ra đời, Ai nói năm sau Apple chẳng chết?
Đỉnh cao nhất, vọt qua 1 phát, thì thành vực thẳm, chẳng phải sao?
Khóc làm gì? Hãy tìm cơ hội mới trong khi những đứa khác đang than, đang thút thít, đang tuyệt vọng.
Thế gọi là “Trong nguy có cơ”.
3.
Nhân câu hỏi “Nếu facebook ngày mai không truy cập được thì sao?”
Cậu sinh viên cũ giờ là PhD student hỏi “tại sao chúng ta lại chấp nhận bị quản lý cái được và không được dùng như một đứa trẻ con như thế?”
Trả lời: Trong nguy ắt có cơ!
Cơ hội – Cơ may (Opportunity or Luck)
Hôm qua nói chuyện cơ hội, nay bàn rộng ra 1 chút.
1.
Có cậu sinh viên, email cho mình, nói: em quý và tin thầy nên chia sẻ 1 ý tưởng kinh doanh của em, Thầy tuyệt đối giữ kín nha.
Mình cười mỉm chi…không phải coi thường mà là thấy các em còn trẻ con quá. Ý tưởng kinh doanh thì cả đống. Ý tưởng thường bay bổng. Bay bổng là tốt.
2.
Nhưng từ ý tưởng đến cơ hội kinh doanh thì phải trải qua nhiều phép thử:
Đầu tiên là chuyển ý tưởng thành một sản phẩm/ dịch vụ/ offer hoàn chỉnh. Sau đó là phép thử về thị trường: có khách hàng không? Khách hàng có chịu trả tiền mua không? Số khách chịu trả tiền có nhiều không? Có đủ sở hụi không? Đối thủ có dễ copy không? ….
3.
Nhưng ngay cả cơ hội kinh doanh cũng vô số, ai biến được cơ hội thành cơ may của mình? Để nắm được cơ hội thì cần nhiều thứ, mà quan trọng nhất: vốn, kinh nghiệm, và dám chấp nhận rủi ro.
Ta hay thấy chuyện, nhiều người thấy người khác làm cái gì đó thì vỗ đùi đánh đét và nói: “thấy chưa tao đã nói từ trước, cái này làm được, ngon lắm”…
Ý chừng tiếc nuối, ý chừng giỏi dang. Haiz, hàng triệu người thấy cơ hội. Mấy người hành động để biến cơ hội thành cơ may. Học bổng đi học Mỹ có mà đầy, ai chả thấy, chỉ là mấy ai hành động để biến thành của mình?
4.
Lại hay thấy, nhiều người khi được giao việc, giao dự án, giao cơ hội, thì toan tính, rồi từ chối, nhưng đến khi người khác làm được thì lại chép miệng tiếc rẻ, bảo “biết thế hồi đó…”. Cứ làm như thành công hay thất bại chỉ vì mình quyết định sai không chọn. Loại chép miệng như trên nhiều vô khối, sẽ cứ mãi chép miệng.
Rồi thì chưa hết, thấy người khác biến khúc xương thành thịt, thì lại muốn nhào vô, cứ như vào tay mình thì thịt sẽ mãi là thịt. Mơ, thịt vào tay loại này thì sẽ biến thành xương ngay. Vì đơn giản, họ chỉ muốn hưởng đâu có muốn làm, thì đương nhiên, miệng ăn núi cũng lở.
Thế nên doanh nhân khác người làm công cơ bản ở máu doanh nhân – dám chấp nhận rủi ro, dám nghĩ- dám làm.
Và không dám làm thì đừng có tiếc!
Dũng Vũ
image source: unsplash