Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
HomeTư duy phản biện“Tiên học lễ, hậu học văn” – có ảnh hưởng tiêu cực...

“Tiên học lễ, hậu học văn” – có ảnh hưởng tiêu cực đến Sáng tạo?

Đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của GS Nguyễn Ngọc Thêm đang gây tranh cãi. Ông đưa ra 1 giả thuyết (hypothesis) là: “Tiên học lễ” trói buộc con người, yêu cầu người dưới phục tùng người trên và từ đó hạn chế sức sáng tạo. Nói là giả thuyết vì ông chỉ đơn giản đưa ra 1 nhận định mà không cung cấp nền tảng lý thuyết và thực chứng của nhận định này.
Phản đối ý kiến này, rất nhiều người cho rằng “Tiên học lễ” là đề cao vai trò của đạo đức. Lễ – nếu hiểu là đạo đức, tác phong – thì luôn là nền tảng quan trọng của giáo dục.
Mình có mấy ý kiến về vấn đề này.

1- Chúng ta đang bàn tới những khái niệm không rõ ràng, mỗi người hiểu theo 1 cách, bàn kiểu gì cũng đúng. Cái chúng ta cần không phải là bàn về khẩu hiệu này, mà là Giá trị cốt lõi nào cần thiết cho con người và giáo dục Việt Nam và những giá trị nào đã lạc hậu cần loại bỏ. Nếu đề xuất: Đạo đức, Sáng tạo, Tôn trọng sự thật và khoa học, Dân chủ, và Công bằng – thì có lẽ ít người phản đối.
Thử xem khoa học đã có những cơ sở và bằng chứng gì về vấn đề này.

2- Phạm trù mà GS Thêm đề cập có thể tương đồng với các loạt nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa (quốc gia và tổ chức) lên tính sáng tạo và đổi mới (innovaton).

3- Lý thuyết nền tảng nhất về văn hóa thuộc về Hofstede với 6 thành phần: Khoảng cách quyền lực (Power Distance), Tính cá nhân (Individualism), Nam tính (Masculinity), Mức độ tránh sự mơ hồ, rủi ro (Uncertainty Avoidance), Định hướng lâu dài (Longterm Orientation), Tự thỏa mãn (Indulgence).

4- Trong đó, Khoảng cách quyền lực – là cách thức xã hội giải quyết sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội – có vẻ như là 1 biểu hiện của Lễ – những yêu cầu thứ bậc bắt buộc mỗi cá nhân tuân theo. Khoảng cách quyền lực lớn thể hiện qua cách thức các bên đối xử với nhau. Ở các quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn, học trò luôn xem thầy cô, cha mẹ, sếp trong công ty là bề trên- ý kiến của họ là đúng. “Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư” là như thế. Ngược lại ở các quốc gia có khoảng cách quyền lực nhỏ, quan hệ giữa các thành viên “dân chủ hơn”. Chính vì tính tuân thủ và thứ bậc này, nên các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sáng tạo của 1 quốc gia.

5- Trên phương diện thực chứng, nghiên cứu (1,2,3) cho thấy các quốc gia có khoảng cách quyền lực thấp thì có chỉ số đổi mới cao hơn và ngược lại.

6- Như vậy có thể tạm kết luận: 1) Cần định nghĩa tường minh các giá trị cốt lõi mà giáo dục VN tôn vinh, 2) nên thận trọng với yêu cầu “Lễ nghi” “ tôn kính thứ bậc trong xã hội” mà nên thúc đẩy “sự tôn trọng, lịch thiệp, và dân chủ” trong các mối quan hệ xã hội như cha mẹ với con cái, học trò và thầy cô, nhân viên và sếp. Thứ bậc sẽ hạn chế tính sáng tạo. 3) Các nhà khoa học khi đưa ra đề xuất nên trình bày cơ sở khoa học chứ không nên đưa ra các giả định nhưng lại phát biểu như 1 sự thật.

Vũ Thế Dũng

Tài liệu tham khảo:
(1)https://www.researchgate.net/publication/340362979_THE_INFLUENCE_OF_THE_POWER_DISTANCE_ON_THE_INNOVATION
(2)https://sciendo.com/pdf/10.1515/joim-2016-0006?fbclid=IwAR2kFCobe3VDeyfBFmkfaY2y-drWKCi88D1W1cnpzNnH2eBH7q8j3t2zlo0
(3)https://www.mdpi.com/2071-1050/12/6/2526?fbclid=IwAR2hPS5MUSUqDlzUo95EWNymX075WY0v7Dw7s_PbM3wz-qlQP9XdkS6Ea4w
(4)https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi-20211125092912027.htm?fbclid=IwAR0iA7-0vQhdsFowutGBpnWQCv70dJdXvMY0Bo1wSw0fgz9yXAUJlr3UJA8
(5)https://www.hofstede-insights.com/models/national-culture/?fbclid=IwAR1_41_MhmRn2lG7ukLnhFgVU5K39WBmx_UdMMZukqcM3JoJHEB6RULF7UU

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments