Có nhiều lý do chủ quan và khách quan để trả lời câu hỏi trên. Bài viết không có tham vọng đưa ra một câu trả lời toàn diện về vấn đề này. Bài viết này chỉ thử tiếp cận câu hỏi trên góc độ thuộc tính công việc (nature of the job or job characteristics).
Quan sát: một vấn đề rất thường gặp ở các công ty, tổ chức, trường học là mọi người hay kêu ca, phàn nàn về bộ phận kế toán, tài chính. Ở trường học thì ngoài kế toán, các phòng đào tạo cũng dễ bị kêu ca bởi các bên. Tất nhiên có muôn vàn lý do, như áp lực công việc, sai qui trình….nhưng có lẽ có 1 lý do khá quan trọng thuộc về bản chất công việc của các bộ phận này. Đó là các bộ phận này mang tính “tuân thủ” (compliance) rất cao. Họ phải tuân thủ rất chặt chẽ các quy trình, quy định của đơn vị, của pháp luật.
Lý thuyết: Trong ma trận Managerial Grid, có hai chiều: con người (people, relationship) và công việc (task, process). Nhóm này thường rất cao ở “task, process”, và thấp ở “people, process”.
Câu hỏi đặt ra: tại sao họ không cố gắng cải thiện chiều “people/ relationship” của mình? Thực ra đây có vẻ như là một lời khuyên mang tính hiển nhiên. Mình cũng sẽ đề nghị như thế. Tuy nhiên, trước khi đề nghị, ta sẽ thử phân tích tại sao các nhóm này thường không được đánh giá cao ở chiều “people, relationship”? Là vì, do phải tuân thủ rất chặt qui trình, qui định, công việc, nên nếu quá thân với con người, quá nice với mọi người thì rất dễ phải du di, phải linh động, phải bỏ qui định, qui tắc. Thế nên chiều “task, process” tự thân nó có thể hạn chế chiều “people” của nhóm này.
Thực ra lý giải trên là dựa vào thực tế thói quen, và cách hiểu về quan hệ thường thấy ở VN. “Quan hệ” ở chúng ta rất nhiều khi hàm nghĩa rằng có thể nhờ nó mà vượt qua qui tắc, qui định, và đặc quyền. Khái niệm relationship ở phương Tây mag tính hỗ trợ, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng vẫn trên nền của luật pháp, qui định (rule base). Thế nên dù là các công việc mang tính “tuân thủ” cực cao như cảnh sát, thì họ vẫn có thể và luôn cố gắng cải thiện chất lượng quan hệ với cộng đồng. Có thể thấy các nỗ lực này cũng đang diễn ra ở 1 số nơi trong nước ta.
Thế nên, trong đào tạo, huấn luyện các chuyên ngành mang tính “qui trình, tuân thủ” như kế toán, luật, kỹ thuật, nên rất chú ý đào tạo về hành xử, xây dựng quan hệ hợp tác chuyên nghiệp. Mặt khác, các bộ phận này nên tăng cường truyền thông, hướng dẫn các bộ phận khác về các qui trình, qui định, và cách thức thực hiện các qui định này. Rất nhiều khi qui định không khó, nhưng do không hướng dẫn nên các bên khi thực hiện làm sai và khi không được chấp nhận thì cho rằng mình bị làm khó.
Dũng Vũ