Chủ Nhật, Tháng ba 23, 2025
HomeKỹ năng quản lý và lãnh đạoSuy ngẫm: Kỹ sư - nhà lãnh đạo tương lai?

Suy ngẫm: Kỹ sư – nhà lãnh đạo tương lai?

(Nhân nói chuyện với sinh viên trong ngày sinh viên học sinh 1/2016)
Nhà tuyển dụng luôn kêu ca kỹ sư thiếu tiếng Anh và kỹ năng mềm. Tiếng Anh thì tương đối cụ thể, nhưng còn khái niệm kỹ năng mềm? Thoạt nghe có vẻ như rõ ràng, thì là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày, …Nhưng ngẫm cho kỹ, tiếp nhận thông tin kiểu này mà sửa chương trình đào tạo thì thế nào cũng mang tính tủn mủn, và làm vụn nát chương trình. Thế nên cần suy nghĩ về nó một cách khác hơn.
Mình thử thoát khỏi chữ nghĩa và các ràng buộc để tưởng tượng một học trò của mình khi ra trường sẽ thế nào. Giả sử rằng bạn ấy sẽ làm một công việc liên quan đến chuyên môn được đào tạo (nhưng ngay cả khi giả thiết này không vững thì cũng không sao). Đầu tiên thì là các công việc chuyên môn cụ thể của các kỹ sư, sữa chữa, thiết kế, vận hành máy móc, hệ thống, sản xuất. Trong quá trình này cần giao tiếp với con người, nhiều người, từ công nhân, đồng nghiệp, cấp trên, bộ phận khác, khách hàng. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hơp tác rất quan trọng.
Làm tốt, sẽ được cất nhắc quản lý một nhóm nhỏ 3-5 thành viên. Lúc này ngoài chuyên môn, cần kỹ năng tổ chức, phân công công việc, đánh giá và phát triển nhân sự. Anh kỹ sư bắt đầu loay hoay, cáu kỉnh, vì chỉ quen làm 1 mình, còn phải hướng dẫn giúp đỡ người khác, để cùng đạt kết quả cho cả nhóm lại là chuyện khác.
Thành công, thì được lên cấp cao hơn, làm quản lý một bộ phận, một xưởng, một nhà máy, lúc này cần tầm nhìn, cần tư duy nhân sự, kết nối các bộ phận, cần kỹ năng lãnh đạo, cần diễn thuyết, cần hiểu về các hoạt động khác bên ngoài kỹ thuật như kế toán, tài chính, nhân sự, dịch vụ, khách hàng, nhà cung cấp, giao tiếp xã hội.
Lên nữa thì làm lãnh đạo cả doanh nghiệp, lúc này tư duy chiến lược, tầm nhìn xa về công nghệ và kinh doanh, phát triển bền vững, quan hệ với các bên có liên quan, tạo môi trường làm việc hạnh phúc cho nhân viên là những yêu cầu bắt buộc.
Nếu bạn chỉ thích làm chuyên môn cũng không sao. Qui trình và những yêu cầu trên vẫn đúng một cách tương đối cho bạn. Ngay trong lĩnh vực chuyên môn của mình bạn cũng cần trở thành một leader, một nhà lãnh đạo. Thế nào là nhà lãnh đạo? Là người có tầm nhìn về sự phát triển của lĩnh vực mà mình đang hoạt động và tạo ra mọi thay đổi cần thiết để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Nói nôm na, bạn là kỹ sư cơ khí, hay kỹ sư điện thì bạn phải biết ngành mình có những hướng phát triển nào (thế giới và Việt nam)? Nó đi vào chiều sâu (chuyên ngành hẹp), và đi sang bề ngang, liên kết với các lĩnh vực khác (đa ngành, đa lĩnh vực) như thế nào? Nó phục vụ xã hội thế nào? Triển vọng phát triển là gì? Công ty bạn nên hướng đến lĩnh vực nào và tại sao. Con đường đi đến chỗ đó như thế nào?
Đó chính là lãnh đạo. Nó là tầm nhìn, và sự thay đổi, chứ không phải là quyền lực theo cách chúng ta hay nghĩ. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, không thua gì (thậm chí cần hơn) chúng ta cần các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà nước.
Nếu tưởng tượng như thế, chúng ta sẽ thấy những sự chuẩn bị cần thiết cho 1-3 năm đầu, rồi sau đó là 3-5 năm kế tiếp, và sau đó là cả một lộ trình nghề nghiệp cả đời của mọt kỹ sư. Bắt đầu là chuyên môn, giao tiếp, nhóm, các nhóm, qui mô lớn hơn, lãnh đạo, và tất nhiên, biết sống bình an và hạnh phúc bên mọi người.
Hiện nay có lẽ, trường đại học đang làm tốt nhất ở công việc chuyên môn kỹ sư, hơi có cải thiện ở giao tiếp và nhóm, nhưng hoàn toàn bỏ trống đoạn phát triển thành nhà lãnh đạo. Tất nhiên, nhà trường không thể và không nên tham vọng tự mình làm hết mọi chuyện. Tuy nhiên, nếu có một phóng chiếu xa, sẽ thấy chương trình đào tạo và các trọng tâm của nó cần có những thay đổi cần thiết.
Dzung Vu
RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments