Tóm tắt câu chuyện:
1. Câu chuyện bắt nguồn từ việc 1 số clip của VTV bị youtube chặn vì có chứa các nội dung mà BH Media giữ bản quyền.
2. Tức mình, 4.11.2021, vtv.vn đăng bài “”Chiếc gậy của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số”, ý chính cho là BH Media nhận vơ, tự chiếm hữu tác quyền của các tác phẩm như Tiến Quân Ca (Quốc ca). Lý do: tác phẩm này được gia đình cố nhạc sĩ tặng cho nhân dân Việt Nam, ai cũng có quyền sử dụng miễn phí, thế mà BH Media lại dám nhận là của mình sở hữu và không cho VTV sử dụng.
3. Ngay lập tức, trong ngày 4.11, BH media cũng đưa ra giải thích, theo đó: BH media không giữ tác quyền của bài hát Tiến quân ca, mà họ đại diện nhà sản xuất Hồ Gươm Audio giữ quyền liên quan với bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất.
4. Đến đây thì sự việc đã rõ. Không ai cấm VTV và các đơn vị sử dụng bài Tiến quân ca, nhưng nếu VTV sử dụng bản ghi do các nhà sản xuất như Hồ Gươm Audio sản xuất thì phải xin phép và trả tiền sử dụng cho họ. Không muốn mất tiền thì tự mời ca sĩ, tự ghi hình, ghi âm rồi sử dụng. Đằng này sử dụng tài sản của người khác, không chịu trả tiền, còn bù lu bù loa đánh tráo khái niệm trước công luận. Còn nếu VTV không sử dụng bản ghi của Hồ Gươm Audio thì quá dễ để tuyên bố tôi không sử dụng đồ của nó, nhưng không dám nói, nghĩa là có sử dụng. – Ai là kẻ cắp?
5. Kịch tính phát sinh, khi trận đấu giữa đội tuyển VN và Lào, phần hát quốc ca VN bị đơn vị tiếp sóng trực tiếp trên youtube là Next Media tắt âm thanh, do sợ vi phạm bản quyền. Nguồn cơn theo Báo Thanh Niên là do trước đó ngày 16.11 trong trận giữa VN và Ả Rập Xê Út, đơn vị tiếp sóng là FPT đã bị thiệt hại kinh tế vì bản ghi Tiến quân ca lại do hãng đĩa nước ngoài là Marco Polo sản xuất. Do ban tổ chức sử dụng bản ghi mà này không xin phép, các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.
6. Sự việc, Next Media tắt âm thanh quốc ca VN do sợ sử dụng bản ghi âm có bản quyền gây bão dư luận. Rất nhanh, Bộ VH-TT&DL ra thông báo yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Đọc thông báo thì có vẻ rất nghiêm túc, rất tuân thủ pháp luật, nhưng đọc kỹ thì chẳng rõ Bộ đang nói đến điều luật nào cụ thể và đang nghiêm cấm cái gì, nghiêm cấm ai? Phải chăng Bộ cho phép cứ việc thoải mái phát bản ghi Quốc ca có bản quyền của các nhà sản xuất mà không cần xin phép và trả phí? Phải chăng Bộ rằng những đơn vị sản xuất bản ghi đang giữ quyền liên quan đến tác phẩm này là sai?
7. Giải pháp đã rõ hơn, khi hôm nay Báo Thanh niên cho biết các đơn vị có thê sử dụng bản ghi Tiến quâ ca miễn phí do trang web của VP Chính phủ cung cấp. Ah, như vậy thì được, đúng luật và đúng trách nhiệm. Còn bù lu bù loa như VTV khi dùng tài sản của người khác không trả phí hay nhanh nhảu răn đe xã hội mà thiếu kiến thức pháp luật như Bộ VH- TT&DL thì thật đáng lo ngại cho nền tảng của 1 nhà nước và xã hội pháp quyền.
8. Thế nên, nếu bạn muốn chửi ai đó trong vụ này, thì hãy chỉ đúng mặt kẻ ăn cắp mà còn la làng, chứ đừng chửi những người giữ các quyền liên quan và những kênh tuân thủ luật chơi. Tài sản trí tuệ chính là tài sản mà còn là tài sản rất lớn khi chúng ta chuyển đổi số.
Ai là thằng ăn cắp?
[Góc bình luận] Bản quyền tiến quân ca: Ai là thằng ăn cắp?
/
RSS Feed