Chủ Nhật, Tháng ba 23, 2025
HomeTư duy phản biệnÓc quan sát, trí tưởng tượng

Óc quan sát, trí tưởng tượng

Óc quan sát, trí tưởng tượng…

1.

Trong cuộc sống, công việc, óc quan sát và trí tượng tượng đóng vai trò thiết yếu. Cùng nhìn một vật, một hiện tượng, một con người, một tình huống, có người không thấy gì hết, có người thấy rất nhiều, học được rất nhiều. Cùng xem 1 vở kịch, đọc 1 đoạn văn, xem 1 bức tranh, nghe 1 bản nhạc, cũng vậy có người “thấy” được nhiều, có người chẳng thấy gì. Đó là do khả năng quan sát mỗi người khác nhau.

Đi làm, cùng hai bạn trẻ như nhau, bạn có óc quan sát tốt, sẽ học hỏi nhanh, tiến bộ nhanh hơn rất nhiều. Quan sát từ tổng quan đến chi tiết, từ bên ngoài vào bên trong, quan sát 1 lần và nhiều lần, quan sát ở các góc nhìn khác nhau. Quan sát sự vật này với sự vật khác, so sánh. Như kiểu anh chụp 1 bức ảnh từ bên trái, bên phải, phía dưới lên, phía trên xuống, lúc nắng gay gắt, lúc chiều mát mẻ, mỗi bức ảnh cho anh 1 cái “thấy” khác nhau.

Ông bà dạy chúng ta “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy. Cái nếp nhà ngày trước được ông bà, cha mẹ dạy rất kỹ, nên khi ra đời, vào công sở, đều biết khéo léo quan sát, từ quan sát mà học hỏi, từ học hỏi mà thích nghi, từ thích nghi mà hoà hợp. Thế nên quan sát rất quan trọng.

2.

Đi làm việc đâu phải chỉ làm cái mình biết và cái đã được chỉ dẫn, làm những thứ này giá trị gia tăng thấp. Làm cái gì chưa ai biết, ít người làm, thì giá trị gia tăng mới cao. Để làm được những chuyện chưa ai làm, chuyện mới, chúng ta hay gọi là sáng tạo, mà thành phần chính của nó là trí tưởng tượng. Thiếu trí tưởng tượng, cuộc sống tẻ nhạt, công việc nhàm chán, không tiến bộ.

Mình hay yêu cầu nhân viên, sinh viên quan sát và tưởng tượng, nhưng mà không phải dễ với các em. Tại sao?

3.

Theo quan sát chủ quan của mình, có lẽ do sự phát triển quá mạnh của các phương tiện nghe nhìn, mà chủ yếu là tivi, phim ảnh, dẫn đến thế hệ bây giờ ít đọc sách. (Hay do các thầy cô, cha mẹ, và xã hội không chú ý tôn vinh sách?!). Tại sao đọc sách lại có thể cải thiện óc quan sát và trí tưởng tượng? Trong khi phim ảnh lại có thể hạn chế nó?

Đọc sách đòi hỏi sự liên tường, tưởng tượng. Ví dụ đọc Anh Hùng Xạ Điêu, người đọc phải thả mình tưởng tượng các chiêu thức của Giáng long thập bát chưởng, của Cửu âm chân kinh , của Hàm mô công, của Lan anh chưởng, với những Hồng Thất Công, Tây độc, Quách Tỉnh, Hoàng Dung, Mai Siêu Phong, Khưu Xứ Cơ, rồi các trận pháp trên đảo Đào hoa do Đông tà Hoàng Dược Sư bày bố. Còn xem phim, tất nhiên cũng rất hay, nhưng khi xem phim là ta thưởng thức phiên bản tưởng tượng của người khác. Nó hay, nó tuyệt vời, nhưng nó không phải của riêng ta. Trí tưởng tượng cho mỗi chúng ta những phiên bản của mình, riêng mình. Sản phẩm độc đáo, doanh nghiệp độc đáo, giải pháp độc đáo có phần rất lớn của trí tưởng tượng.

Chỉ xem (phim) mà thiếu đọc, do vậy, hạn chế khả năng tưởng tượng.

Mình nhớ hồi nhỏ hay đọc Sherlock Holmes, lúc nào cũng thích mê tơi vì khả năng quan sát và phân tích của nhà thám tử. Từng chi tiết đều được chú ý, ghi nhận, phân tích, và đưa ra thông tin. Một cách vô thức, khi về nhà, vào văn phòng, đi trên đường mình cũng hình thành lối quan sát và tìm ra những chi tiết khác lạ, để ghi nhận và phân tích. Lâu dần thói quen quan sát được cải rất rõ nét.

4.

Đi học, mình cũng hay tưởng tượng. Ví dụ, trong tết, mình đọc cuốn Kinh tế học cấm đoán. Xen kẽ đọc, là những lúc mình đóng sách và mường tượng lại những thông tin mà mình vừa đọc. Vừa tưởng tượng vừa sắp xếp thông tin theo cách của riêng mình để có thể hiểu rõ hơn.

Tuần trước bắt đầu học tiếng Nhật, đọc lớn tiếng, tập viết hàng chục lần vẫn không nhớ, phải làm đến biện pháp, nhắm mắt, tưởng tượng từng từ, gắn với hình ảnh để có thể ghi nhớ. Đó cũng là 1 cách mà mình thấy hiệu quả.

Dzung Vu

Previous article
Next article
RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments