Thứ năm, Tháng tư 17, 2025

Minimalism – Tối giản

1.

Tối qua nằm đọc Lối sống tối giản của người Nhật. Rất lý thú.

Về hình thái là từ 1 cuộc sống với rất nhiều đồ đạc, quần áo, thiết bị bao quanh, giờ đây rất nhiều bạn trẻ Nhật chọn lối sống tối giản, chỉ có những đồ đạc tối thiểu cần thiết cho cuộc sống.

Nhưng bản chất tối giản lại không nằm ở hình thái cho đi các đồ đạc, mà nằm ở triết lý của nó: bỏ đi hết những thứ dư thừa (mà mình đã từng tưởng là quan trọng), thì mới nhận chân là được cái gì là cái cốt lõi, cái quan trọng nhất đối với cuộc sống của mình. Nhận ra cái quan trọng nhất, cái cốt lõi, và bỏ được cái dư thừa, tự do xuất hiện. Ta không còn lệ thuộc vào vô số thứ linh tinh nữa, ta là ta với cái cốt lõi.

2.

Tiếp cậu sinh viên MBA làm luận án, gần 30 phút cậu kể đủ thứ chuyện. Mình hỏi 1 câu, cậu trả lời gần 10 phút, lòng vòng, dài dòng. Mình bảo câu chuyện của em mình có thể tóm tắt trong 30 giây mà vẫn đủ ý chính.

Kiểu thế này, hỏi: làm sao đi từ Đại học Bách Khoa (268 LTK, Q10) đến Nhà Thờ Đức Bà, Q1.

Trả lời: Ra cổng Lý Thường Kiệt, nhìn bên đối diện có Coffee house, mới mở rất đông khách, sinh viên BK rất hay uống ở đây, Anh CEO nghe đâu cũng là sinh viên BK, hình như mới mở trà sữa thì phải…đi tiếp qua ngã tư Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành thì bên trái là Bệnh Viện Trưng Vương, bên phải là Nhà Thi Đấu Phú Thọ, thầy cô BK hay chơi cầu lông ở sân này, có cả nhà thi đấu trong nhà và ngoài trời….

Trả lời kiểu này tới tối cũng không biết làm sao đi đến được Nhà Thờ Đức Bà.

Loại trả lời này phổ biến không: (trong quan sát cá nhân, đi dạy vài trăm sinh viên/ năm) thì nhiều vô số. Lý do: 1) không nhận diện được điểm chính yếu của vấn đề, và 2) muốn thể hiện là mình biết rất nhiều thông tin (nhưng không biết rằng nó trong câu hỏi này thì nó không liên quan – irrelevant)

Thế nên, hầu hết các câu trả lời dư thì cũng mắc luôn lỗi thứ hai là thiếu, dư cái không quan trọng, thiếu cái cốt lõi- nói linh tinh quá nhiều thì sẽ bỏ quên cái quan trọng.

Thế nên dân cư mạng hay có câu: Túm cái váy lại!

3.

Tư duy phản biện – Critical thinking- càng áp dụng ở VN, càng thấy có lẽ đầu tiên phải dạy là nhận diện ra cái phần cốt lõi, ý chính, chi tiết chính, phần critical. Thế nên minimalism và critical thinking cũng chia sẻ với nhau ở phần triết lý: đi vào cái lõi, nhìn thấy cái lõi.

Dạy critical thinking mình sẽ dạy các em kể chuyện trong 1 phút mà ra được tinh thần toàn câu chuyện. Chỉ thế thôi thì đã vượt lên mấy level rồi. (Ah, còn dạy túm cái váy lại nữa ahihi)

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Dũng Vũ

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments