- Yêu nước có phải là câu hỏi?
Một luận điểm hay được nêu ra “Luật an ninh mạng là nhằm bảo vệ an ninh của tổ quốc, an toàn xã hội; vậy tại sao bạn lại chống đối? bạn không yêu nước? bạn phản động”
Đây là 1 loại ngụy biện thường gặp. Hầu hết chúng ta đều đồng thuận là cần bảo vệ an ninh tổ quốc và an toàn xã hội. Cái chúng ta bất đồng là cách nào? Làm thế nào?
Cần có phương tiện tốt để thực hiện mục tiêu tốt. Quy chụp phản động, không yêu nước, hay đơn giản dẫn trích mục tiêu của Luật không phải là luận cứ để tranh luận- Đơn giản nó không nói lên điều gì.
2.
Đánh tráo luận điểm tranh luận chính.
Một vài bài viết lái nội dung tranh luận về: 1) Phải chăng Google và Facebook sẽ không còn hoạt động ở VN? Và 2) Không chỉ VN có luật này mà 18 quốc gia khác cũng có luật này.
Bản chất đây không phải là các tranh luận chính về luật này. Mệnh đề tranh luận chính nằm ở: với các quy định, thuật ngữ còn mơ hồ (sẽ trình bày ở đoạn sau), thì luật này có nhân danh bảo vệ an ninh mà xâm phạm các quyền cơ bản của công dân như: quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư hay không?.
Đánh tráo mệnh đề tranh luận là kỹ thuật ngụy biện thường gặp, nó chuyển hướng vấn đề sang các nội dung ít liên quan, thứ yếu, không quan trọng, nhằm thu hút sự chú ý sang hướng khác.
Facebook có mặt hay không chưa phải là vấn đề chính, vấn đề ở khả năng vi phạm quyền cơ bản nếu luật chưa phát biểu tường minh. 18 quốc gia có luật cũng không nói lên điều gì vì còn có 180 quốc gia khác không có quy định này. So sánh với người khác, quốc gia khác để tham khảo chứ không phải là nội hàm chính. Nội hàm của luật mới chính là vấn đề trọng tâm.
3.
Ai sở hữu sự thật?
Điều 8 qui định các hành vi bị cấm trong đó có cấm “Thông tin sai sự thật” trên mạng. Đúng quá phải không? Có vẻ như ai cũng đồng thuận là cần phải cấm thông tin sai sự thật.
Tuy nhiên hãy thử xét giả định ẩn của phát biểu này. Phát biểu này dựa trên 1 giả định ẩn: ai đó biết được, nắm được, sở hữu được sự thật. Vì phải có sự thật để đối chiếu thì mới biết thông tin nào là sai sự thật. Vậy ai là người sở hữu sự thật? Ai?
Thử lấy 1 ví dụ: cuộc tình của bạn tan vỡ. Lỗi tại ai? Bạn có câu trả lời chính xác hay đúng sự thật cho câu hỏi này không? Cuộc tình của bạn tan vỡ có thể có n cách giải thích từ chính bạn, người yêu của bạn, gia đình và bạn bè hai bên. Cách giải thích nào là đúng? Hay chỉ có cách giải thích duy nhất của bạn là đúng?
Đấy mới là chuyện tình của bạn, vốn chỉ có hai người, mà đã phức tạp thế khi đi tìm sự thật. Vậy sự thật về tham nhũng, sự thật về tấm bản đồ qui hoạch Thủ thiêm, sự thật về quân xâm lược, về tàu lạ tấn công ngư dân của VN còn phức tạp đến thế nào? Ai sở hữu sự thật này???
Không ai cả, mỗi người đều tiếp cận 1 phần sự thật, và tự do ngôn luận chính là phương thức tốt nhất để sự thật hiển lộ rõ nhất. Cứ nhìn tấm bản đồ qui hoạch thất lạc của Thủ thiêm thì rõ. Nếu chỉ dựa vào UBND Tp.HCM thì họ sẽ nói đã thất lạc, nhưng người dân cũng có thông tin của họ. Nếu chỉ phát biểu của chính quyền Tp.HCM là duy nhất đúng thì chúng ta sẽ đạt được điều gì? Những oan sai, những tham nhũng sẽ được cải thiện nhờ vào việc người dân im tiếng sao?
Đây, theo chủ quan của mình, là một trong những tranh luận trung tâm của luật này. Luật có vẻ như cho phép cơ quan an ninh mạng do Bộ Công An phụ trách chính, can thiệp vào chuyện ai đó nói không đúng sự thật. Nhưng như đã nói, điều này hết sức nguy hiểm vì đánh giá đâu là sự thật không thể là quyết định duy nhất của Bộ, mà cần thông qua 1 qui trình pháp lý nghiêm cẩn của tòa án, trong đó các bên (Bộ công an, Viện kiểm sát, công dân, doanh nghiệp, luật sư, cộng đồng, báo chí) cùng tham gia bình đẳng và được xét xử công bằng theo những điều luật rõ ràng là nền tảng của một xã hội pháp quyền.
Để khám xét nhà riêng, khám xét và bắt giữ công dân đều phải tuân theo 1 trình tự nghiêm cẩn của pháp luật; thì tương tự, khám xét cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, server của doanh nghiệp hay cư dân cũng phải tuân thủ các trình tự nghiêm ngặt này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp. Chứ không thể tùy tiện quy kết và ập vào đòi cung cấp thông tin. Thông tin cũng là tài sản được pháp luật bảo hộ.
4.
Một vài tranh luận khác cũng khá buồn cười. Có bạn nói: tôi ủng hộ xuống đường biểu đạt ý kiến bất bạo động, hoặc làm gì đó cụ thể để xây dựng đất nước, chứ tôi ghét nhất các anh hùng bàn phím, chỉ lên facebook phát biểu linh tinh, chẳng dám làm gì. Kiểu: bạn đã làm gì cho đất nước?
Đây chính là sự hạn hẹp của trí tuệ. Bạn thích biểu đạt ôn hòa ngoài đường phố, bạn thích các dự án cộng đồng – thật đáng hoan nghênh. Người khác muốn tham gia ý kiến công dân của họ trên mạng – đó là lựa chọn của họ. Người văn minh sẽ biết tôn trọng lựa chọn của mình và của người khác dù có khác biệt.
Và nếu góc nhìn tốt sẽ thấy, xã hội lành mạnh và phong phú biết bao khi có nhiều cách tiếp cận khác nhau cho cùng 1 sự việc. Lúc này cách của bạn và tôi không mâu thuẫn, chúng bổ sung cho nhau.
Vũ Thế Dũng