- Bàn loạn cho vui nhân xem chương trình “Làm từ thiện vì ai?” của VTV. Cá nhân mình thích chương trình này vì nó là nguồn tư liệu quý để giảng dạy và làm phong phú góc nhìn.
- Đây là chương trình lý thú, tranh luận cởi mở. Kết luận ổn, nhưng không có gì mới: làm từ thiện đáng quý, nhưng hãy đa dạng cách làm, và cẩn thận vì có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực.
- Theo mình nên chỉnh chủ đề chính là: “Làm từ thiện như thế nào thì mang lại hiệu quả tốt nhất cho cộng đồng?”. Câu hỏi vì ai vẫn có thể hỏi, nhưng chỉ nên là 1 thành phần nhỏ.
- Tranh luận của TS. Đặng Hoàng Giang* chưa thuyết phục lắm. Anh lập luận: “Hãy cẩn thận, bạn làm từ thiện mà không cân nhắc kỹ, chưa chắc đã tốt, mà có thể gây hậu quả xấu trong dài hạn. Hãy sáng tạo và đa dạng trong làm từ thiện.” Anh dùng ví dụ về trẻ em ở Sapa chỉ chuyên đứng ngửa tay xin tiền du khách và có khả năng làm các em ỷ lại, và không chịu lao động. Anh cũng lý luận về chuyện người dân tộc có thể đánh mất bản sắc dân tộc không mặc áo thổ cẩm nữa, nếu cứ cho quần áo người Kinh.
- Lập luận không sai. Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đây, mình cho rằng nó được đặt trong 1 không gian chật hẹp, thiếu sự toàn diện. Như thế nào? Một hoạt động bất kỳ của con người nói chung đều đồng thời tạo ra nhiều tác động tích cực và tiêu cực. Đi máy bay giúp rút ngắn không gian và thời gian cho con người thì cũng gây ô nhiễm môi trường. Khen để động viên 1 người có thể giúp họ vượt qua khó khăn nhưng cũng có thể làm cho họ chủ quan, đánh giá sai bản thân. Phun thuốc trừ sâu thì giết sâu bệnh nhưng lại có hại cho chất lượng cây trồng và hại đất. Có thể thấy tác động nhiều chiều của một hành vi là việc rất bình thường, nó diễn ra trong phạm vi toàn xã hội. Thế nên lập luận không mới.
- Điểm yếu của lập luận này nằm ở giả thiết ẩn của nó: 1) Nó cô lập hành vi từ thiện ra khỏi các hành vi khác của cộng đồng để xem xét, và 2) cộng động chịu hệ quả chính từ các tác động bên ngoài (hành vi từ thiện) mà thiếu nhận thức, động lực từ bên trong**. Ví dụ như chuyện cho áo sẽ làm mất bản sắc của người dân tộc. Lập luận này quá giản đơn. Từ thiện cũng chỉ là 1 trong vô vàn các hoạt động khác của con người với cộng đồng như giáo dục, lao động, học tập, giao tiếp, truyền thông với bên ngoài, nhận thức… Xã hội ngày càng phát triển thì hoạt động càng đa dạng, tác động càng nhiều chiều. Chúng tự bù trừ lẫn nhau. Cho bạn bao nhiêu burger, bao nhiêu bơ, phomai để bạn có thể quên phở, nước mắm, bánh chưng? Nếu gia đình có đứa con xa quê mà lơ là phong vị cổ truyền thì ông bà, cha mẹ, sẽ có cách nhắc, sẽ có cách để truyền thừa. Nghĩa là có rất nhiều các tác động từ các bên và cộng đồng có nhận thức, có giá trị bên trong của nó khi tiếp nhận các tác động bên ngoài. Cô lập hoạt động từ thiện và giả thiết cộng đồng không có nội lực từ bên trong rồi đánh giá, lập luận kiểu này rất hạn hẹp. Đây chính là chỗ mọi người cảm nhận được sự không chính đáng của lập luận nhưng không chỉ ra được.
- Giới Phật tử cũng tranh luận việc bố thí sao cho đúng từ xa xưa. Đi mua cá, chim phóng sinh thì vô tình khuyến khích những người đi bắt cá, bắt chim để bán cho người phóng sanh, như thế có khi còn gây nhiều tội hơn…Nói chung các tranh luận này cho đến nay chưa có nhiều luận điểm mới.
- Lời khuyên của Anh Giang và chương trình là làm từ thiện phải sáng tạo, cho cần câu chứ không cho cá cũng chẳng có gì mới. Những nhóm từ thiện VN đã làm rất nhiều hoạt động chứ không chỉ đi phát cơm, phát bánh. Họ dị ứng vì lời khuyên và cách khuyên có màu dạy đời. Nhìn rộng hơn có thì thấy rằng phong trào đầu tiên sẽ đi từ hoạt động đơn giản, ít người, sau phát triển các hoạt động đa dạng, sáng tạo, với đông người tham gia hơn. Vậy hãy nhìn đây là 1 bước phát triển của cộng đồng Từ thiện VN.
- Cũng ý này, 2500 năm trước, Phật pháp đã giảng bố thí có 3 loại: tài thí, pháp thí, và vô úy thí. Trong đó Pháp thí – giảng dạy, hướng dẫn cho mọi người con đường đúng, lẽ phải – là quan trọng nhất.
- Còn bàn về “làm từ thiện vì ai?”: Vì người cho, hay vì người nhận? Chắc chắn vì cả hai. Vì mình mà giúp người bằng từ thiện thì quá tốt. Hãy nhìn câu chuyện như 1 quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Ban đầu vì trắc ẩn, anh cho đi 1 chút, giúp người 1 chút. Có thể cũng muốn thể hiện, cũng muốn selfie, cũng hơi tiếc tiếc. Nhưng cùng lúc anh cũng thấy hạnh phúc từ sự chia sẻ. Rồi anh lại cho đi, nhiều hơn 1 chút, bớt tiếc đi vì thấy những đau khổ quá lớn. Anh lại cho đi, lại thấy hạnh phúc lớn hơn, lại thấy mình phải làm nhiều hơn. Vì mình ít đi, vì người nhiều hơn. Sự chuyển hóa đã diễn ra. Hạt giống nhân ái đã gieo trồng, giờ ngày càng nảy mầm ở cả người cho, người nhận và cộng đồng.
- Bố thí ban đầu còn thấy người cho, vật cho, người nhận. Càng thực hành bố thí thì càng không thấy người cho, vật cho, người nhận nữa, chỉ còn tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau, vì nỗi khổ của mọi người cũng là của mình. Bố thí đạt đến Ba La Mật, lúc đó “vì ai” chẳng còn ý nghĩa. Siêu việt!
PS1: http://vtv.vn/video/60-phut-mo-nguoi-ta-lam-tu-thien-vi-ai-131772.htm
PS2: Cá nhân mình đã từng giới thiệu sách của anh Giang trên face, nghĩa là mình đánh giá cao anh.
PS3: Lập luận cho áo sẽ dẫn tới mất bản sắc cộng đồng, dựa trên giả thiết là cộng đồng không có nhận thức, tác lực bên ngoài thế nào thì cộng đồng thành ra thế đó. Giả thiết này rất không ổn. Nó y chang giả thiết trong clip “chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” khi nói anh nổi tiếng, anh chia sẻ, sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận. Nghĩa là dư luận không có khả năng nhận thức, ai nói gì là làm theo?
Dũng Vũ
. image source: unsplash