Lãnh đạo bao gồm một loạt các phẩm chất và kỹ năng. Một nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng quản lý nhân sự và công việc, giao tiếp hiệu quả, và khích lệ một môi trường hoạt động nhóm tích cực. Hãy cố gắng phát huy những phẩm chất lãnh đạo của bạn bằng cách nhận biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, và trở nên gương mẫu cho nhân viên và đồng nghiệp noi theo.
Phần 1: Phân tích những tố chất lãnh đạo của bạn
1. Tự hỏi về phong cách lãnh đạo của bản thân
Nếu bạn muốn phát triển những kỹ năng lãnh đạo của bản thân, bạn cần phải phân tích một cách trung thực những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Việc này sẽ giúp bạn nhận biết đâu là những khía cạnh bạn cần khắc phục, và nhận thức được cách hành xử của chính mình. Hãy bắt đầu với việc hỏi bản thân: “Tôi thuộc loại lãnh đạo nào?”.
- Có thể bạn là kiểu người làm gương, và không dính dáng quá nhiều đến công việc riêng của người khác.
- Hoặc bạn là kiểu thích giải quyết các vấn đề, và có vai trò tích cực cũng như hay can thiệp.
- Là một đồng đội tốt và giúp mọi người hòa đồng với nhau, cùng làm việc hiệu quả cũng là một phong cách lãnh đạo tốt
- Bạn thậm chí có thể sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm trên mạng để tìm hiểu xem phong cách lãnh đạo của mình là gì
2. Xem xét góc nhìn của người khác đối với bạn
Một khi bạn đã rõ hơn về hình ảnh lãnh đạo của bản thân, việc xem xét cái nhìn của người khác về bạn sẽ giúp ích rất nhiều. Có thể là góc nhìn của bạn bè đồng nghiệp, hoặc bạn bè ở trường. Bạn có thể thực hiện bằng cách chú ý kĩ hơn đến sự tương tác của cả nhóm, ví dụ như tần suất đồng nghiệp đến xin ý kiến của bạn, và mức độ thoải mái của họ khi cần được tư vấn.
- Bạn có thể hỏi một người bạn thân thiết hoặc một đồng nghiệp về góc nhìn chân thực của họ về phong cách lãnh đạo của bạn.
- Bạn có thể hỏi một cấp trên, người mà đã quen thuộc với bạn và công việc của bạn, để họ đưa ra những phản hồi và hướng dẫn về quản lý và lãnh đạo.
3. Phân tích những phẩm chất lãnh đạo của bản thân
Sau khi hỏi những câu hỏi cần thiết về phong cách lãnh đạo và góc nhìn của người khác về bạn, bạn có thể thử phân tích những phẩm chất lãnh đạo của bản thân một cách chi tiết hơn. Sau đó bạn hãy xác định những khía cạnh cần khắc phục. Viết ra những câu hỏi sau đây và hãy trả lời thành thật hết mức có thể:
- Tôi có đang cố gắng để hiểu những suy nghĩ và tâm tư của đồng nghiệp hay không?
- Tôi có giúp đỡ người khác phát huy hết mức những điểm mạnh của họ hay không?
- Tôi có trách nhiệm hay không?
- Tôi có suy nghĩ cởi mở và thử những ý tường mới hay không?
- Tôi có thể giao tiếp hiệu quả với những người khác hay không?
- Tôi có phải là người giải quyết tốt các vấn đề hay không?
- Tôi có khuyến khích và chấp nhận những ý kiến và góc nhìn của người khác hay không?
4. Nhận biết các khía cạnh cần khắc phục
Những câu hỏi trên giúp bạn nhận biết đâu là những phẩm chất lãnh đạo là thế mạnh của bạn, và bạn cần khắc phục những khía cạnh nào. Qua những câu trả lời của bạn, hãy chia những phẩm chất lãnh đạo của bạn thành 3 phần. Đầu tiên, lưu lại những phẩm chất bạn cảm thấy bạn giỏi về. Tiếp theo, nhận biết đâu là những khía cạnh nào bạn cần khắc phục. Cuối cùng, xác định đâu là những điểm yếu của bạn và cần bạn chú ý hơn.
- Ví dụ như, nếu bạn nhận thức được suy nghĩ và cảm xúc của đồng nghiệp, và bạn chấp thuận những ý kiến của họ, thì độ cởi mở và độ gắn kết của bạn đối với đồng nghiệp khá cao.
- Nếu bạn không giúp đỡ mọi người phát huy khả năng, và bạn không giao tiếp hiệu quả cho lắm, thì bạn cần khắc phục những kĩ năng này nhiều hơn.
- Những phẩm chất lãnh đạo này có thể được chia thành nhiều khía cạnh nhỏ như giao tiếp, truyền lửa, làm gương, cởi mở, làm việc nhóm và mức độ hợp tác.
Phần 2: Cải thiện kĩ năng giao tiếp của bạn
1. Khuyến khích những cuộc đối thoại hiệu quả
Giao tiếp có thể là một trong những tính chất quan trọng nhất của việc lãnh đạo, và đây là thứ liên quan đến nhiều phẩm chất khác nữa. Một trong những chìa khóa dẫn đến sự giao tiếp hiệu quả chính là việc khuyến khích những cuộc đối thoại tích cực và thỉnh thoảng mạnh mẽ về các vấn đề và các giải pháp. Có rất nhiều phong cách lãnh đạo, nhưng những người thường xuyên ngắt các cuộc thảo luận và khiến chúng trở nên cứng ngắt thì không được sự ủng hộ về lâu dài.
- Hãy hỏi và khuyến khích những câu hỏi mở rộng, thay vì những câu hỏi cứng ngắt.
- Hãy làm bật lên những lĩnh vực đã được thỏa thuận, và giải quyết những khía cạnh còn bất đồng ngay sau đó.
- Đừng trở nên hách dịch, và hãy tạo điều kiện cho một môi trường cởi mở, nơi mọi người được tự do nói, không sợ hãi.
2. Sử dụng tốt ngôn ngữ hình thể
Một ngôn ngữ hình thể tích cực có thể thể hiện rằng bạn là một người năng động, cởi mở và biết phối hợp. Nó còn giúp bạn tạo ấn tượng khi nói chuyện, và tăng sức mạnh và sự hiệu quả cho bài nói của bạn. Một nguyên tắc ở đây chính là ngôn ngữ cơ thể phải đồng bộ với những điều bạn đang nói. Đừng yêu cầu người khác làm gì đó trong lúc bạn đang nhìn vào sàn nhà. Thay vào đó bạn có thể giao tiếp bằng ánh mắt.
- Để có một ngôn ngữ hình thể tích cực và quyết đoán khi nói chuyện, hãy cố duy trì giao tiếp ánh mắt, đứng thẳng và thư giãn cơ mặt.
- Ngôn ngữ hình thể của bạn có thể diễn giải được những cảm xúc hiện tại của bạn, vì thế hãy cố sử dụng chúng để thể hiện những phẩm chất lãnh đạo.
3. Hãy chủ động khi lắng nghe
Để trở thành một người giỏi giao tiếp, bạn cần trở thành một người giỏi lắng nghe. Nếu bạn cố gắng lắng nghe, thì họ sẽ nghĩ đến bạn như một người cô ấy có thể nói chuyện với. Đây là một phẩm chất lãnh đạo quan trọng, cần được phát triển. Ngôn ngữ hình thể cũng quan trọng, vì thế hãy cố duy trì giao tiếp bằng ánh mắt với người bạn đang nói chuyện. Để trở thành một người biết chủ động khi lắng nghe:
- Đừng phán xét người khác.
- Dành sự chú ý tuyệt đối cho người bạn đang nói chuyện.
- Cố gắng hiểu họ, trước khi bạn muốn họ hiểu bạn.
- Đừng xen ngang đột ngột.
Phần 3: Dẫn dắt bằng sự gương mẫu
1. Những sáng kiến
Một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo chính là khả năng nhanh chóng và quyết đoán khi giải quyết vấn đề. Nếu bạn thấy có thứ cần được giải quyết, và bạn tự tin rằng bạn biết cách tốt nhất, thì hãy sử dụng sáng kiến của bạn. Một người lãnh đạo giỏi là người luôn sẵn sàng dẫn đầu trong những tình huống bất ngờ.
- Dùng những sáng kiến của bạn để tạo hiệu ứng tích cực và thái độ “chúng ta có thể làm được!”.
- Đảm bảo rằng bạn tự tin với những lựa chọn của mình. Bình tĩnh, chắc chắn, và đừng vội vã tìm kiếm một giải pháp.
- Một khía cạnh khác của một nhà lãnh đạo tài ba là biết khi nào cần những lời khuyên, và hiểu khi nào thì một vấn đề cần sự hiểu rõ tường tận trước khi được giải quyết.
2. Nhận trách nhiệm
Để có thể đề ra một tấm gương lãnh đạo tốt, bàn cần phải nhận trách nhiệm cho những phần việc cá nhân và những ưu tiên nói riêng, cũng như cho cả nhóm nói chung. Việc có những ưu tiên và vai trò rõ ràng sẽ giúp mọi người dễ dàng nhận biết trách nhiệm của mình.
- Hỗ trợ các thành viên trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ của họ và hãy cố tạo ra một môi trường hợp tác thay vì cạnh tranh gay gắt.
- Việc nhận trách nhiệm còn liên quan đến việc loại bỏ trách nhiệm từ những người đã cho thấy rằng họ không thể quản lý được những nhiệm vụ đã giao.
3. Liên tục cải thiện các kỹ năng của bản thân
Một cách để thể hiện kĩ năng lãnh đạo tốt đó chính là luôn luôn tìm kiếm những cơ hội để học hỏi và phát triển những khả năng của bản thân. Việc liên tục thể hiện một sự mong muốn được cải thiện bản thân và công việc của mình sẽ là một nhân tố tạo động lực lớn cho những người xung quanh bạn. Nó thể hiện sự mong muốn của bạn để trở nên giỏi giang hơn và bạn không hề có thái độ tự mãn.
- Hãy sắp xếp và viết ra những chuẩn mực cho bản thân mình, và hãy cố gắng luôn tuân theo
- Hãy luôn kiểm soát công việc của chính mình, và nhận diện những khía cạnh bạn cần khắc phục
- Bạn có thể dùng những chuẩn mực của bản thân để có thể đề xuất nên một kế hoạch phát triển bản thân
4. Đề xuất tầm nhìn
Một nhà lãnh đạo giỏi là người có thể đưa ra một tầm nhìn rõ ràng và thuyết phục, cả ngắn hạn và dài hạn. Khả năng lên kế hoạch từ trước, hoạch định chiến lược và phát triển các đề xuất ưu tiên chính là những điểm mạnh và cần thiết của một nhà lãnh đạo tài ba. Để có thể làm được việc này, bạn sẽ cần phát triển rộng hơn tầm nhìn của mình để có thể nhìn xa hơn.
- Khả năng nhìn xa trông rộng sẽ giúp bạn suy xét đến các kiểu vấn đề thậm chí trước khi chúng xuất hiện.
- Dạng tiếp cận này đồng thời giúp dẫn tới những cải tiến và các thay đổi trong cấu trúc, giúp mang lại lợi ích về lâu dài.
Phần 4: Tạo điều kiện để làm việc nhóm được hiệu quả
1. Tạo động lực cho người khác
Để làm việc nhóm, bạn cần phải tạo động lực cho đồng nghiệp. Một trong những cách tốt nhất để người lãnh đạo có thể khơi cảm hứng cho các đồng nghiệp chính là quan tâm đến họ, và thể hiện rõ rằng bạn sẽ luôn bên cạnh để hỗ trợ và giúp đỡ khi cần. Hãy cố gắng giúp mọi người tập trung vào những mục tiêu lớn, để cung cấp một đường đi rõ ràng để đến đích.
- Bạn không nên là người cuối cùng được biết khi có ai đó có vấn đề hoặc đang gặp rắc rối.
- Hãy năng động và hoạt bát lên để nhận diện các vấn đề và giải quyết chúng.
- Điều này có thể dẫn đến việc chỉnh đốn đội ngũ hoặc việc phân chia công việc cho nhóm.
- Ví dụ, nếu ai đó đang dần mất đi hứng thú khi công việc không đủ hấp dẫn người ấy, hãy nghĩ ra những cách khác giúp cho người đó chú tâm vào công việc.
- Bạn có thể giải thích về cách vận hành của một phần việc nào đó, mặc dù nó sẽ hơi chán. Điều này rất quan trọng đến toàn thể dự án.
- Hãy nói những thứ đại loại như “Tôi biết rằng việc này có vẻ hơi đơn điệu, nhưng nếu không có nó, mọi thứ sẽ không liên kết được. Tôi phân công cho bạn làm việc này bởi vì bạn là một người kĩ lưỡng đến cả những chi tiết nhỏ nhất.”
2. Khen thưởng những việc được hoàn thành tốt
Một phần quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho người khác đó chính là khen thưởng những việc làm tốt. Hãy tìm lấy những cơ hội khen thưởng những người khác bởi việc họ đã làm tốt, và thể hiện rằng bạn trân trọng những gì họ làm. Việc tích cực quan tâm đến công việc của các đồng nghiệp chính là nhân tố quan trọng của một nhà lãnh đạo tốt – người có khả năng tạo động lực cho cả nhóm.
- Đối với các nhân viên mới, hãy luôn tìm kiếm những cơ hội phát triển nghề nghiệp cho họ.
- Một môi trường tích cực và hợp tác – nơi mà công lao của mọi người được trân trọng sẽ dẫn đến sự động viên lớn lao cho cả nhóm.
3. Hợp tác thay vì cạnh tranh
Nếu bạn đang cố gắng trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, việc cố gắng thúc đẩy công việc tốt hơn bằng cách tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các đồng nghiêp có thể là một điều khá thuyết phục. Thực tế thì việc xây dựng một môi trường làm việc mang tính hợp tác hơn thường dẫn đến làm việc được hiệu quả hơn và phát triển các mối quan hệ tốt hơn.
- Bất kì cuộc ganh đua nào được tạo ra trong môi trường cạnh tranh đều tốn rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết.
- Bạn tốt hơn hết nên tạo ra những mục tiêu chung, có thể cùng nhau đạt được.
- Việc tao ra một môi trường mang tính hợp tác sẽ khuyến khích sự liên kết giữa mọi người và giúp tránh làm việc đơn độc.
4. Hãy luôn sát cánh kề bên mọi người
Nếu bạn đang lãnh đạo một nhóm thực hiện một dự án, việc bạn luôn ở bên cạnh mọi người là rất quan trọng. Hãy nhớ rằng một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ là người hoàn thành các công việc, mà còn là người luôn để tâm giúp đỡ đồng nghiệp phát triển những khả năng của họ. Hãy luôn cởi mở khi cố vấn cho những nhân viên mới, và đảm bảo luôn dành thời gian để huấn luyện một kèm một nếu cần thiết.
- Bạn có thể thể hiện rằng mình luôn sẵn sàng bằng rất nhiều cách. Ví dụ như bạn có thể dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để lắng nghe tất cả những khúc mắc của mọi người.
- Bạn có thể làm điều này một cách trang trọng, hoặc chỉ cần dành ra nửa tiếng trong ngày để đi vòng quanh và xem xét tiến độ công việc của mọi người.
- Nếu có ai đó hỏi bạn một vấn đề nào đó mà bạn lại chưa có thời gian để giải quyết ngay lập tức, đừng bỏ qua nó. Hãy lập nên một khoảng thời gian rảnh để có thể hướng dẫn họ.
https://www.wikihow.com/Improve-Leadership-Quality