Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
HomeKỹ năng quản lý và lãnh đạoLàm lãnh đạo là làm gì?

Làm lãnh đạo là làm gì?

Là tưởng tượng ra tương lai.

Là thế nào?

10 năm trước, khi nhận công việc tại văn phòng cũ, việc đầu tiên của mình là viết kế hoạch. Nhưng cụ thể kế hoạch là gì khi thực tế chỉ là 1 văn phòng trống, với 2 nhân viên (1part time và 1 full time), với chưa đầy 20 sinh viên, và không có ngân sách? Và mình thì chưa từng có 1 kinh nghiệm cụ thể nào với đào tạo quốc tế. Thế mà trong một buổi chiều, cuối tháng 4.2009, mình vẫn ngồi viết trên iphone các kế hoạch- tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng – mà sau này đọc lại, rất nhiều thứ đã thành hiện thực.
Tất nhiên, tưởng tượng phiên bản 1 ở buổi chiều tháng tư đó chưa là 1 phiên bản hoàn hảo. Mình đã liên tục tưởng tưởng trong suốt 10 năm sau đó. Đầu tiên là tưởng tượng về chương trình Pre-Uni- lúc đó chưa có khái niệm này, sau đó là camping, presentation contest, community project, các môn nghệ thuật, rồi tiếp đến là tưởng tượng ra chương trình 100% bằng tiếng Anh do trường cấp bằng (cùng tên gọi là Chất lượng cao nhưng thời điểm 2012-2013 Bộ chỉ yêu cầu dạy 3-4 môn bằng tiếng Anh mà thôi), rồi tưởng tượng tiếp đến Consulting forum, Innovation,…Đó là các tưởng tượng đã được hiện thực hóa, còn rất nhiều các tưởng tượng đang chuẩn bị triển khai như Flipped Classroom, 4+1, master chất lượng cao…
Bây giờ công việc của mình ở Thinking School cũng y như thế. Sáng ngồi soạn bài, tiếp khách hàng, làm các công việc hàng ngày. Chiều, tối tưởng tượng và lập kế hoạch. Cũng như lúc ở OISP, Thinking School cũng đã có nhiều phiên bản tưởng tượng nối tiếp nhau, bản kế hoạch đầu tiên được viết vào đầu tháng 3.2017 với cái tên School of Critical Thinking. Cho đến nay đã trải qua rất nhiều phiên bản. Phiên bản đầu chưa rõ nét, thì các phiên bản sau càng ngày càng rõ và cụ thể.
Vậy tưởng tượng là ngồi mơ mộng hay có căn cứ nào? Sản phẩm của tưởng tượng chỉ là ý tưởng?

Thực ra tưởng tưởng không phải là 1 quá trình mơ mộng thông thường hay chém gió, mà nó là 1 sản phẩm cụ thể của 1 quá trình tư duy (và hành động) nghiêm túc, bền bỉ và kỷ luật.
Ban đầu nó có thể bắt đầu từ mơ mộng, ai cũng có quyền mơ.

Kế tiếp là viết ra giấy (mình thường viết trên note của iphone). Quá trình này giúp mình tư duy rõ và hệ thống hơn.
Sau đó thì cụ thể hóa qua các tính toán. Thường khi tưởng tượng về kinh doanh thì mình sẽ ngồi lập các bảng tính về chi phí, doanh thu, lợi nhuận, rủi ro. Tất cả là tưởng tượng vì start up chưa có quá khứ, tất cả khởi đầu từ số 0, nên doanh thu, chi phí đều là tưởng tượng.
Tuy nhiên, khi đã đến bước này, thì tưởng tượng đã cụ thể rất nhiều, và đã phảng phất tính khả thi.
Ví dụ: (tưởng tưởng) đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 là 20 tỷ. Lúc đó con số này sẽ phải liên đới đến rất nhiều các con số khác, ví dụ: nó đến từ 4 nhóm sản phẩm khác nhau, mỗi nhóm lần lượt là 2-5-7 và 6 tỷ. Tiếp tục, nhóm sản phẩm 4, có doanh thu kỳ vọng 6 tỷ, thì con số này lại đi kèm với năng lực vận hành, ví dụ: số lượng nhân viên hay khách hàng. Giả sử 1 khách hàng doanh nghiệp trong nhóm này mang lại doanh thu trung bình 60 triệu/ năm thì cần 100 khách hàng. Để có 100 khách hàng cần có 150 khách hàng yêu cầu báo giá, hay cần ít nhất 300 khách hàng biết và quan tâm đến sản phẩm. Để có 300 khách hàng doanh nghiệp biết đến thì cần đầu tư 500 triệu cho Marketing…cần tuyển 2 nhân viên marketing….
Như thế doanh thu liên quan đến chi phí, đến vốn đầu tư, liên quan đến năng lực vận hành, liên quan đến nhân sự, liên quan đến lợi nhuận… Sau 1 hồi tính toán có thể mục tiêu doanh thu 20 tỷ là không khả thi, cần điều chỉnh…
Quá trình này diễn ra như 1 vòng lặp, tưởng tượng, giả thuyết, và thực tế.

Sau nhiều vòng lặp tính toán thì tưởng tượng đã dần dần cụ thể hóa và hiện thực hóa.
Đây quả là 1 kỹ năng khó nhằn vì nó đòi hỏi chúng ta liên tục thiết lập các giả định và điều chỉnh các tính toán. Kỹ năng này một mặt là kỹ năng lập kế hoạch, một mặt là kỹ năng định lượng. Cái khó của bài toàn này ở chỗ, chưa có 1 khung tính toán từ trước do tất cả là khởi đầu. Khác với công việc mang tính lập lại của các năm tiếp theo, là thay số cho 1 khung đã có sẵn.
Quá trình này thường tốn của mình từ vài ngày đến vài tuần (cho những ý tưởng phức tạp). Mỗi ngày mình thêm vào 1 vài chi tiết, cho đến 1 ngày thì bức tranh hoàn chỉnh.
Kế tiếp là vận hành và biến tưởng tượng thành hiện thực. Ý tưởng sáng tạo chưa thực sự có giá trị nếu nó không được đưa vào triển khai. Lãnh đạo cũng thế, chỉ có ý tưởng, mà không vận hành, thì vẫn chỉ là chém gió.
Vận hành giúp điều chỉnh kế hoạch, và giúp lần tưởng tượng sau trở nên sát hiện thực hơn rất nhiều.

Từ đó đến giờ, dạy cho nhân viên kỹ năng này vẫn là thách thức khó nhất của mình.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments