Thứ sáu, Tháng tư 18, 2025
HomeTư duy phản biệnKiến thức- Tri thức

Kiến thức- Tri thức

1.

Vô thang máy một office building, tự nhiên có cô bé chào mình “Thầy, Thầy nhớ em không?”, hỏi rồi nói luôn “Em là sinh viên quản lý công nghiệp K98, hồi đó thầy dạy B2B Marketing”. Trời, mới đó mà mười mấy năm. Thang máy chạy nhanh, cô bé nói “chắc thầy không biết, chứ cuốn sách B2B thầy viết em vẫn để trên bàn làm việc, thường hay mở ra coi, áp dụng được nhiều trong công việc”. Thang máy mở, thầy trò chia tay, ngậm ngùi J

2.

Đến nhà máy của cậu học viên MBA (gọi là  cho thân mật chứ có lẽ Anh lớn tuổi hơn và đang làm chủ mấy doanh nghiệp lớn ngất ngưởng). Anh dẫn mình đi tham quan, vừa đi vừa kể rất hào hứng, về nhà máy, về các kế hoạch của anh. Nhưng cái hay nhất lại là, anh nói anh áp dụng được tất cả những cái gì học được từ nhà trường, từ chương trình MBA MCI, anh nhớ luôn slide nào, môn nào, thầy nào.

3.

Thỉnh thoảng mình hay gặp các câu hỏi kiểu thế này của học viên: “Em mới được phân công phụ trách mảng marketing của công ty, Thầy cho em cái hẹn cafe để nhờ Thầy tư vấn giúp em các giải pháp”. Hoặc “đây là vấn đề của công ty em đang gặp, nhờ thầy tư vấn giúp”

Cá biệt hơn “em có 10 triệu để dành, thầy chỉ em đầu tư chứng khoán để em có tiền đóng học phí” – “Lỗ, mất hết tiền thì sao?” – im lặng…

4.

Báo chí hàng ngày đăng tin, cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp đầy đường. Nhiều bạn trẻ nói chẳng biết học mấy cái đó để làm gì, chẳng sử dụng được gì hết. Vô bổ.

5.

Cốt lõi cần phân biệt, kiến thức – phần nguyên vật liệu, thu được từ nhà trường, thầy cô, sách vở, quan sát. Nguyên vật liệu cần phải qua chế biến mới thành bánh, thành cơm, thành phở. Nấu nhiều, thêm thắt gia vị, cải tiến, thì thành bí quyết gia truyền. Cũng vậy, kiến thức được mang ra sử dụng trong bối cảnh cụ thể, tạo ra kinh nghiệm, bí quyết, thành tri thức hay kiến thức riêng (self knowledge) của mỗi người.

Thế nên anh chủ doanh nghiệp học 1 cái thì biến thành tri thức ngay, vì anh chỉ cần có nguyên vật liệu thì nấu ngay được thành cơm. Bạn khác thiếu kinh nghiệm thì có gạo có thịt cũng chẳng biết làm gì.

6.

Làm gì có chuyện, bài toán của doanh nghiệp em, sau 10 phút uống café với Thầy thì có đáp án. Thầy có kiến thức về marketing và tri thức marketing trong 1 số hoàn cảnh cụ thể. Nhưng để giải bài toán của doanh nghiệp em vẫn cần 1 quá trình nấu nướng trải nghiệm cụ thể mới giải được. Đầu tư chứng khoán, nhà đất, …cũng thế, kiến thức có thể cho, tri thức sao cho được. Tri thức tự mình phải tích lũy. Rất nhiều khi thầy giỏi kiến thức mà tri thức cụ thể thì yếu hơn trò. Nhưng cả hai cần nhau để bổ sung.

7.

Học trò hay hỏi sao thầy đọc nhiều thế. Mình thì hay nói, những gì mình đọc, mình làm chưa bao giờ phí cả, thế nào cũng có lúc hữu dụng. Có thể thấy đọc nhiều, đi nhiều, đa dạng tức là tích lũy nguyên vật liệu nhiều. Đến khi có cơ hội trải nghiệm cụ thể thì tất cả các nguyên vật liệu đã tích lũy biến thành tri thức.

Kiểu như cùng đi trên đường phố Châu Âu, anh bạn có kiến thức kiến trúc sẽ có thể nhanh chóng lĩnh hội và chuyển các quan sát thành tri thức kiến trúc. Còn mình không có kiến thức này, nên cùng đi, cùng nhìn, nhưng không thấy.

Thế nên cổ nhân mới nói: tiếc nhất là cho lũ tiểu nhân xem tranh đẹp!

Nên mình đi xem tranh, kiểu gì cũng phải khen -:-

Các câu hỏi hay các kỳ vọng trên hình như là kỳ vọng chung của xã hội với các giảng viên. Ta thử nhìn các câu hỏi này trên phương diện kiến thức và tri thức (do trải nghiệm của mình, không câu nệ hàn lâm lắm trong bài viết này)

Chúng ta trong quá trình sống, tích luỹ rất nhiều qua sách vở, trường lớp. Giảng viên đại học cũng vậy, họ tích luỹ kiến thức từ sách vở, từ nhà trường, từ nghiên cứu, từ quan sát. Tuy nhiên đây mới chỉ là phần kiến thức, phần nguyên vật liệu, trả lời các câu hỏi: cái gì? tại sao?. Các câu hỏi mang tính nguyên lý chung. Hay trong quản trị là phần khoa học của quản trị.

Tuy nhiên để trả lời, hay giải quyết một câu hỏi, một vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, kiến thức phải được chuyển đổi thành tri thức cụ thể. Ví dụ: trên lớp, hay đọc sách, chúng ta sẽ học được các kiến thức, nguyên lý về cách thức làm marketing, làm quản lý. Nhưng để có thể đưa ra một giải pháp marketing cụ thể cho một sản phẩm mới, trong bối cảnh thị trường, đối thủ, ngân sách đặc thù, thì các kiến thức trong sách hay trên lớp đòi hỏi một quá trình chuyển đổi từ cái nguyên lý (mang tính khái quát chung) sang cụ thể (mang tính chuyên biệt).

Quá trình này là quá trình kiến thức tương tác với thử nghiệm, để hình thành kinh nghiệm và tri thức.

Từ công thức trên ta thấy, có mấy trường hợp. Kiến thức mà thiếu thử nghiệm, thì là kiến thức suông, khô khan, khả năng giải quyết vấn đề hạn chế. Thử nghiệm mà thiếu kiến thức thì hình thành kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm này do thiếu kiến thức nền nên thường mang tính vụn vặt, thiếu khả năng khái quát hoá và ứng dụng trong các trường hợp khác. Hai trường hợp này khá điển hình cho cái chúng ta hay gặp hiện nay.

Doanh nghiệp thì chê nhà trường, thầy cô, sinh viên, hàn lâm, thiếu thực tế, khoảng cách lý thuyết- thực tế lớn. Nhà trường thì chê doanh nghiệp thiếu nền tảng lý luận. Chuyện này sẽ thấy rất rõ, khi mời các doanh nghiệp về giảng dạy, họ sẽ rất mạnh về các ví dụ thực tiễn. Nhưng các ví dụ này giới hạn trong lĩnh vực họ có kinh nghiệm và thường khó liên kết với các khối kiến thức khác để hình thành một tri thức mang tính khái quát hoá cao.

Mình hay nói với sinh viên: tất cả các cuốn sách, tất cả những gì mình học, chưa bao giờ thừa, sẽ có lúc hữu dụng, dù ngay lúc đọc, lúc học mình có thể chưa thấy được chúng dùng vào đâu. Tại sao? Vì khi học hay đọc, mình đang tiếp nhận kiến thức mang tính nguyên vật liệu. Sau này trong quá trình sống, làm việc, các nguyên vật liệu này sẽ tương tác với nhau, với các trải nghiệm sống để trở nên hữu dụng trong các bối cảnh cụ thể – trở thành hoa trái- tri thức- kiến thức sống động.

Vì có nhiều kiến thức, nên mỗi trải nghiệm đều có thể tìm thấy một loại kiến thức nào đó để kết hợp tạo thành tri thức. Thí dụ, cùng đi dạo ở nước ngoài, nhưng anh bạn kiến trúc sư sẽ có thể chuyển đổi nhiều quan sát về phong cách thiết kế, vật liệu thành tri thức kiến trúc hơn mình. Vì trong anh đã sẵn có kiến thức về kiến trúc và thiết kế, nên khi có trải nghiệm, nó sẽ chuyển đổi nhanh chóng.

Ngược lại, trải nghiệm càng đa dạng thì tự nó sau này khi tìm thấy một kiến thức phù hợp, cũng sẽ nảy sinh thành tri thức sống. Thế nên ta hay khuyên các bạn thanh niên đọc nhiều, học nhiều, và trải nghiệm nhiều. Tức là khuyên tích luỹ nguyên liệu. Tích đủ sẽ có lúc dùng đến.

Các tri thức đó lại tiếp tục sẽ kết hợp với các kiên thức mới, trải nghiệm mới sau này, để trở thành tri thức mới hơn, hay kiến thức sống động hơn. Thế nên càng học, càng quan sát, càng làm, thì càng sống sâu sắc hơn.

Các bạn trẻ và hình như cả xã hội hiện nay quá nôn nóng thì phải. Chúng ta tưởng cứ quăng bạn trẻ ra đời thì bạn sẽ tự sống được, sẽ thoát khỏi cái bẫy “hàn lâm, lý thuyết”. Chẳng phải thế đâu, thiếu nguyên vật liệu, chẳng có tri thức nào nảy mầm được cả. Sống thiếu kiến thức thì ngả nghiêng, từ yêu sang ghét, từ bạn sang thù, từ niết bàn sang địa ngục chỉ trong tích tắc.

Đào tạo, huấn luyện, tư vấn

Đào tạo trong trường thường tập trung phần kiến thức nền. Dù các giảng viên vẫn luôn phải nỗ lực để biến các kiến thức của họ thành các tri thức sống.

Huấn luyện ở doanh nghiệp thường là huấn luyện một nội dung, một kỹ năng, một giải pháp cụ thể để có thể áp dụng giải quyết ngay một vấn đề đơn giản nào đó. Phần kiến thức ít hơn, phần trải nghiệm cao hơn.

Tư vấn chính là quá trình nhà tư vấn sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để giải quyết một vấn đề phức tạp hơn của khách hàng. Nó đòi hỏi quá trình chuyển đổi cao và sâu.

Nó khó vì nhà tư vấn phải mất nhiều thời gian để chuyển đổi kiến thức, trải nghiệm của họ thành tri thức, giải pháp cụ thể cho khách hàng.

Thế nên tại sao, không thể kỳ vọng có được các câu trả lời nhanh, chính xác, “biết tuốt” cho một vấn đề của doan nghiệp. Đó cũng chính là lý do tại sao, không thể đăng ký học một khoá học và trở nên giàu có sau đó như mơ ước của nhiều người. Đừng mơ.

Tại sao cùng nhìn 1 thứ, nhưng mỗi người lại rút ra bài học khác nhau?

Dũng Vũ

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments