Đứa bé sinh ra thật hạnh phúc khi được cha mẹ, ông bà, thầy cô nuôi dưỡng, dạy dỗ. Dạy cái gì? Chính là dạy sống, dạy làm người. Dạy từ đâu? Từ kinh nghiệm đúc kết từ ngàn xưa. Chẳng phải lịch sử là gì?
Chúng ta chẳng luôn tự hào là dân tộc có ngàn năm lịch sử? Không có lịch sử, ta lớn lên bằng gì? Lấy gì để tự hào?
Tổ chức cũng thế, có lịch sử nhân viên, tổ chức có cái mà tự hào, có cái mà hãnh diện.
Là thành viên BK, mình luôn có cái tự hào về lịch sử và truyền thống 60 năm của BK. Là sếp của OISP thì mình lại có cái cảm giác thiêu thiếu khi OISP là bộ phận trẻ nhất của BK. Khi mới thành lập, OISP lấy đâu nền tảng để tự hào? Tất nhiên là nền tảng kế thừa từ BK, nhưng với OISP, mỗi ngày đều là hiện tại và cũng đều là lịch sử. Tổ chức càng trẻ, lịch sử lại càng quan trọng.
Thế mà nhanh lắm, OISP chuẩn bị lên 8, đã có chút vốn liếng truyền thống, lịch sử.
Đầu tiên là chuyện trên trời rơi xuống, giữa đàng thấy sự bất bình chẳng tha, là chuyện tổ chức khởi nghĩa ở Tản Đà cách đây 6-7 năm. Thực ra lúc đầu tiên cũng nghĩ chỉ là chuyện nhỏ, giản đơn. Thế mà ai ngờ, quay lại đã thấy cả một hành trình kéo dài 3-4 năm. Lịch sử gì chuyện này?
Có mấy khía cạnh lịch sử ở đây. Đầu tiên là chuyện mình và các đồng đội đi vận động cư dân cùng khởi nghĩa. Cứ tưởng đơn giản, chỉ có hơn 100 hộ dân, sống trong 1 tòa nhà 20 tầng. Mặt khác, mình có “chính nghĩa”, bảo vệ quyền lợi cư dân. Thế mà chẳng phải, hàng trăm chuyện xảy ra. Nội bộ cư dân không phải ai cũng ủng hộ, có người còn nghĩ xấu. Nội bộ nhóm khởi nghĩa cũng có lúc dao động, lung lay. Bên ngoài, làm thế nào vận động được sự ủng hộ của dư luận và từ đó tác động đến chính quyền (thiếu trách nhiệm, năng lực, nhưng sợ dư luận).
Lúc khó khăn nhất, mình lại nghĩ đến các bài học của lịch sử Đảng (chẳng phải mình tâng bốc gì Đảng, hay thần tượng Đảng). Các bài học khá rõ ràng. Từ những năm đầu thế kỷ 19, với một lực lượng là nông dân, ít học, phương tiện truyền thông đa số là truyền khẩu, phương tiện đi lại hạn chế, đối thủ là Thực dân Pháp, Nhật, Mỹ. Khó khăn trùng điệp, vậy mà vẫn có thể lãnh đạo thành công phong trào cách mạng. Các bài học về đấu tranh như bạo lực cách mạnh, du kích, tranh thủ ngoại giao và dư luận quốc tế, đấu tranh chính trị, liên minh các lực lượng trong nước…mình thấy hoàn toàn sống động. Trong cuộc đấu tranh ở Tản Đà, tất cả hầu như đều được vận dụng. Mặt trận dự luận: hơn 10 tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, và mấy chục bài báo, tin, phóng sự đã viết, đã đưa về Tản Đà trong suốt hơn 3 năm. Mặt trận cư dân: thông tin, họp, trao đổi, đoàn kết; sử dụng sức mạnh cư dân, tận dụng mọi quan hệ của cư dân. Lúc đó nguyên lý là toàn thể 150 gia đình ở TĐ sẽ có hàng ngàn mối quan hệ cá nhân và mỗi gia đình sẽ. Mặt trận chính trị: vừa đấu tranh vừa tác động vừa hợp tác với chính quyền các cấp.