Buổi nói chuyện về tư duy phản biện hôm qua khá lý thú. Các câu hỏi gửi trước và trên hội trường đều khơi gợi nhiều vấn đề, cho người nghe và cho chính mình. Còn nợ khá nhiều câu hỏi, sẽ viết sớm để trả lời.
Giờ phải viết ngay một ghi chú quan trọng mà từ hôm qua đến giờ mình vẫn hơi tiếc đã không nhấn với các em. Câu hỏi: Phản biện ai?
Theo mình có lẽ, một số người cho rằng, tư duy phản biện là để phản biện người khác, để phân tích, đánh giá người khác. Không sai. Nhưng, mình rất muốn nhấn mạnh là tư duy phản biện trước tiên là để phân tích, đánh giá chính cách nghĩ, cách hành xử, các lựa chọn, các quyết định của chính mỗi chúng ta. Tư duy phản biện là đề phản biện chính mình, công bằng và nghiêm khắc, để tự mình học hỏi và tiến lên. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
2. Bước đầu tiên của phản biện, chưa phải là nhìn sự vật ở nhiều góc nhìn khác nhau, mà là nhận diện rõ vấn đề chính yếu, các câu hỏi và hệ quả chính yếu của tình huống mà chúng ta đang đối diện.
Để làm điều đó, đặt được các câu hỏi quan trọng, đi vào trọng tâm là quan trọng nhất. Nhưng, câu hỏi đặt ra là để cho ai trả lời? Cho chính chúng ta, người hỏi. Vì phản biện bắt đầu từ chính chúng ta, vì chúng ta, và cho chúng ta. Thể nên vừa đặt câu hỏi thì cũng phải chịu trách nhiệm trả lời nó, nghiêm túc, khách quan, công bằng.
3. 1 và 2, đi kèm nhau có lẽ sẽ bổ sung thêm cách giải thích tại sao phản biện của chúng ta lại mang nhiều màu sắc của chê bai đến thế? Và dù đôi khi vẫn được gói trong vỏ bọc ngọt ngào, lịch sự thì người tiếp nhận vẫn không cảm thấy dễ chịu.
Vì sao? Vì nếu phản biện chỉ là để phản biện người khác, và đặt câu hỏi cũng chỉ là để người khác phải trả lời, mình vẫn đứng ngoài cuộc, hỉ hả, không nhận trách nhiệm, thì trong một chừng mực nào đó, câu hỏi đó, phản biện đó chưa mang đủ tính trách nhiệm. Nó bị phản kháng.
Ở đây, khái niệm phản biện chính mình là ở tâm thế chịu trách nhiệm, chứ không chỉ vì vấn đề đó thuộc về chúng ta.
Ví dụ: là nhân viên của một tổ chức, bạn có thể đặt nhiều câu hỏi phản biện cho sếp mình hay cho tổ chức của mình với tâm thế ai đó, ông sếp, bà sếp phải chịu trách nhiệm. Cách phản biện với tâm thế ngoài cuộc đó, hay mình tạm gọi là tâm thế “được quyền hưởng thụ đó” có khả năng chính là nguyên nhân hạn chế năng lực của phản biện, vì khi đặt các câu hỏi đó bạn không có trách nhiệm trả lời nó, bạn chỉ đơn thuần hỏi.
Ngược lại, nếu tâm thế mình là 1 thành viên tích cực của tổ chức, mình hỏi và cũng chính mình tham gia trả lời câu hỏi, dù sức mình, trí mình còn hạn chế, thì có lẽ sức thuyết phục của phản biện cao hơn nhiều. Vì khi đặt câu hỏi cho chính mình, bạn sẽ tìm hiểu thật kỹ, thật sâu, thật công bằng, chứ không hời hợt như kiểu hỏi người khác.
Tương tự nếu đặt câu hỏi trong lớp để thầy trả lời thì việc học vẫn chưa sâu. Câu hỏi trước hết là đặt ra cho mình, mình thấy nó hay, nó quan trọng, nên mình muốn đi tìm câu trả lời, mà hỏi thầy chỉ là một cách để đi tìm câu trả lời, thậm chí ngay cả khi thầy đã trả lời mình vẫn chưa hài lòng mà vẫn muốn tìm thêm.
4. Tất nhiên mình hoàn toàn không có ý nói rằng, chúng ta không được quyền đặt câu hỏi phản biện cho người khác. Với tâm ý tốt, vẫn rất cần thiết cho sự tiến bộ chung. Mình chỉ muốn nhắc rằng, phản biện xuất phát từ phản biện chính mình, với mục đích cải thiện chất lượng các tư duy của mình. Càng phản biện chính mình sẽ càng thấy khi phản biện người khác mình phải khiêm cung, vì nếu mình trong vị trí của họ chắc gì mình không hành xử như họ?
Dũng Vũ
Image source: unsplash