Thứ bảy, Tháng ba 22, 2025
HomeTư duy phản biệnDọn nhà cuối năm

Dọn nhà cuối năm

  • Hôm qua ngồi xem lại những sách gì ngoài chuyên môn mà mình đã đọc trong năm qua, cũng không nhiều lắm, khoảng gần 100 cuốn, có nhiều cuốn hay, nhiều cuốn khó, và cũng một số cuốn không hay lắm. Cũng nhân dịp dự kiến sẽ đưa ra 1 cái danh mục sách mà nhân viên OISP cần và phải đọc, nên làm thử một bản danh mục.
  • Về tác giả, năm nay mình đọc nhiều của các tác giả Thích Nhất Hạnh, Dalai Lama, Sogyal Rinpoche, Ajahn Chah, Khải Thiên, Thư Giang Nguyễn Duy Cần, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Cao Huy Thuần, Đỗ Hồng Ngọc, Micheal Sandel, Adam Grant, Napoleon Hills, và Đặng Hoàng Giang.
  • Nhìn vào danh mục tác giả có thể thấy năm nay mình chuyển sự chú ý sang các tác giả viết về Phật giáo, triết học, và xã hội. Tiểu thuyết thì gần như vắng bóng, thực ra thì có đọc Nguyễn Ngọc Tư (Đong tấm lòng), và Cổ Mạn (Bên nhau trọng đời – đọc lại). Trước đây mình đọc tiểu thuyết khá nhiều, nhưng chuyện này khi nào có dịp sẽ kể.
  • Về các tác giả, năm nay mình đọc sâu các tác phẩm của Thầy Thích Nhất Hạnh, Thư Giang Nguyễn Duy Cần, và Micheal Sandel. Thầy Thích Nhất Hạnh cho mình sự bình an sâu xa, sự chỉ dẫn kịp lúc, dẫn mình từ những khái niệm đơn giản hàng ngày đến sự uyên bác bác học của Phật học. Đọc sách Thầy ta như được đắm mình trong những dòng suối trong trẻo, dịu ngọt. Thư Giang Nguyễn Duy Cần cho mình kính cẩn trước vẻ đẹp uyên bác mà bình dị của triết học Đông Phương, cho mình biết nghiêng mình trước cái học của các bậc tiền nhân. Cái học của Thư Giang là cái thực học, học đi đôi với hành, học rộng mà không mất chiều sâu, học từ bên trong, cái học của chính mình. Micheal Sandel, vị giáo sư người Mỹ, lại mở rộng nhãn quan của mình bằng các tranh luận, lý thuyết về đạo đức và thị trường. Những vấn đề tưởng như rất hàng ngày, rất đơn giản, mà hàm chứa trong nó là những góc nhìn xã hội, góc nhìn đạo đức lý thú. Ranh giới giữa thị trường và xã hội được Micheal đặt ra và cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
  • Bên cạnh ba tác giả trên thì tất nhiên Cao Huy Thuần, Khải Thiên, Đức Dalai Lama, và Đặng Hoàng Giang vẫn là những tác giả lý thú và xứng đáng có trong kệ sách của mỗi chúng ta. Khải Thiên với Cẩm Nang Người Phật Tử (3 tập) cô đọng các khái niệm của đạo Phật theo từng câu hỏi nhỏ. Tuy chỉ là 3 cuốn sách nhỏ, mỏng, nhưng lý giải cô đọng, có chiều sâu. Sách phù hợp với bạn trẻ trí thức muốn tiếp cận Phật giáo trên góc nhìn khoa học mà vẫn đầy đủ giá trị tâm linh. Bác Cao Huy Thuần thì vẫn luôn là tác giả yêu thích của mình trong nhiều năm. Hôm qua đọc Nắng và Hoa của bác, với phần bình nhạc thơ của Trịnh Công Sơn, mới thấy sự ảo diệu, vẻ đẹp tư tưởng và văn chương của Trịnh cũng như của người bình. Đặng Hoàng Giang với Bức xúc không làm ta vô can, mang đến cho người đọc những góc nhìn xã hội khoa học mà thú vị. Cách anh nhìn những người về chót trong các cuộc đua marathon, hay chữ “bức xúc”, hay vấn đề từ thiện đều cho chúng ta tự nhìn lại mình, tự hỏi “ừ nhỉ, hình như mình ngây thơ”. Cuối cùng, Đức Dalai Lama, luôn cho mình cái cảm nhận về một người Ông hiền từ, gần gũi. Tuy là một lãnh tụ Phật giáo nhưng Đức Dalai Lama luôn tiếp cận vấn đề đạo đức, lòng từ bi trên các quan điểm phi tôn giáo, hay như ông nói “tiếp cận kiểu thế tục”. Phật giáo của Ông và của Thầy Thích Nhất Hạnh đã vượt ra khỏi địa vị của một tôn giáo với những giáo điều- lễ lạt, mà đã thực sự trở thành một cách tiếp cận chung về đạo đức, hạnh phúc, lối sống.

gray steel 3-door refrigerator near modular kitchen

Tạm phân loại:

Sống hạnh phúc

  1. Hạt Nhân Hạnh Phúc, Khải Thiên
  2. An lạc từng bước chân, Thích Nhất Hạnh, rất hay, ngắn gọn, đặc biệt hữu ích khi chúng ta bối rối trong cuộc sống bộn bề
  3. Hạnh phúc mộng và thực, Thích Nhất Hạnh
  4. Sống Hạnh Phúc, Đức Dalai Lama và Howard C. Cutler

Tự học, dạy con

  1. Nhật ký sen trắng, Cao Huy Thuần
  2. Tôi tự học, Thư Giang Nguyễn Duy Cần, rất hay, cần cho tất cả mọi người
  3. Óc sáng suốt, Thư Giang Nguyễn Duy Cần

Triết học, nhân sinh quan

  1. Phải trái – đúng sai, Micheal Sandel
  2. Tiền không mua được gì, Micheal Sandel
  3. Nhập môn Triết học phương Đông, Thư Giang Nguyễn Duy Cần

Tư duy xã hội, phản biện

  1. Bức xúc không làm chúng ta vô can, Đặng Hoàng Giang

Phật học

  1. Đường Xa Mây Trắng, Thích Nhất Hạnh: rất hay, nói về cuộc đời của Bụt Thích Ca, rất nên đọc với các bạn muốn tìm hiểu về Đạo Phật. Một cách nhìn rất hiện đại, rất người về Bụt
  2. Đạo Phật đi vào cuộc đời, Thích Nhất Hạnh, rất hay, giải thích cách tiếp cận nhập thế của Đạo Phật
  3. Rong chơi trời phương ngoại, Thích Nhất Hạnh
  4. Đạo Bụt nguyên chất
  5. Tri kỷ của Bụt, Thích Nhất Hạnh
  6. Người vô sự, Thích Nhất Hạnh
  7. Nhật tụng thiền môn: rất hay, đặc biệt cho những bạn trí thức trẻ muốn xâm nhập kinh tạng nhưng không thể hiểu chữ Hán Việt như các kinh hiện nay. Quyển sách bao gồm rất nhiều bài thơ kệ được Thầy Thích Nhất Hạnh việt ngữ hay sáng tác.
  8. Cẩm nang người Phật tử, Khải Thiên, tập 1, 2, 3
  9. Phật học tinh hoa, Thư Giang Nguyễn Duy Cần- sâu sắc, uyên bác

Nhóm sách về Phật Giáo Tây Tạng, Bardo

  1. Tạng Thư Sống Chết, Sogyal Rinpoche – quan trọng
  2. Chết bình an- tái sinh hỷ lac, Tulku Thondup
  3. Bardo- Bí mật nghệ thuật sinh tử
  4. Điều trị bệnh tận gốc: năng lực của tâm bi mẫn, Lama Zopa Rinpoche
  5. Sống chết an lành, Gehlek Rimpoche và Gini Alhadeff, Mark Magill
  • Mỗi người sẽ có những quan tâm và cách đọc khác nhau. Mình thì hay mua cùng một lúc nhiều sách, có khi 5-6 cuốn, đọc song song. Cũng là thói quen của mình. Có những cuốn mình đọc một mạch từ đầu đến cuối trong 1-2 tiếng như Bức xúc không làm ta vô can, cũng có cuốn thì đọc từng đoạn như Nắng và Hoa. Khi buông cuốn này ra thì cầm lấy cuốn khác đọc tiếp. Nên thường thì mình hay cầm trên tay 1 lúc 2-3 cuốn. Đọc song song cũng có cái thú vị. Cũng có bạn hỏi thế mình có nhớ không? Có và không. Có cuốn mình nhớ rất nhiều. Đặc biệt các cuốn sách hay thì mình hay trích dẫn lại các câu, các đoạn hay. Trong quá trình đọc, mình cũng hay dừng lại để ghi chú, trích dẫn, hay thậm chí là viết note về 1 vấn đề mà cái đọc từ sách gặp với cái suy nghĩ của mình lúc đó. Cũng có nhiều cuốn sách, thú vị, nhưng đọc xong thì quên. Mình không đặt cho mình mục tiêu nhớ khi đọc sách, đọc chỉ để đọc thôi. Nhưng mình hay đọc đi đọc lại các cuốn sách. Có những cuốn mình đọc nhiều lần, ví như sách của Thầy Thích Nhất Hạnh, Bác Cao Huy Thuần, hay Micheal Sandel mình thường đọc đi đọc lại, nhưng không phải đọc từ đầu, mà theo kiểu “bói Kiều”, lật ra ngẫu nhiên, gặp đoạn nào thì đọc đoạn đó, ấy vậy mà nhiều khi rất thú vị. Sách như hiểu mình, vô tình lật ra lúc nào cũng thấy đúng với tâm trạng của người đọc.

minimalist photography of open door

Dũng Vũ

image source: unsplash

Previous article
Next article
RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments