Hì, cái note này chẳng liên quan gì đến vụ đại gia kim cương đang náo loạn trên face. Cái này ghi lại những quan sát lẻ tẻ, chủ quan của mình về đại gia.
Chẳng biết từ bao giờ, danh từ đại gia được sử dụng, chỉ biết mấy năm nay nó lạm phát trên báo chí và dư luận. Đại gia thì hay đi kèm với chân dài, tất nhiên rồi! Và các trò tiêu khiển phung phí của đại gia. Đại gia là ai? Chưa rõ định nghĩa lắm, nhưng có lẽ là những người khá giả. Và hình như (cảm giác chủ quan) đại gia thì phè phỡn, thì phung phí, thì hợm hĩnh, thì …đại gia.
Từ nhỏ, mình (và chắc cũng nhiều bạn nhỏ) được học về các anh hùng nghĩa hiệp với khẩu hiệu “Cướp của nhà giàu chia cho người nghèo”. Thật ngưỡng mộ các hảo hán thay trời hành đạo!
Cho đến hôm qua, nhân nói chuyện với nhân viên đề tài “Phản biện xã hội – tư duy của người tự do”, tối ngồi nhâm nhi trà đá tại English Hub đọc lại cuốn Phải trái đúng sai của Micheal Sandel, mới post một suy nghĩ ngắn đại khái “tại sao người thu nhập cao phải đóng thuế cao hơn người thu nhập thấp?”.
Quá trời comments, vui. Sáng nay dậy di cafe với Bily, hỏi “Cớ sao anh phải đóng thuế nhiều hơn em? Anh cũng đi đường như em, vào bệnh viện cũng trả tiền như em, đi học học phí cũng như em.”, trả lời: “vì anh giàu hơn em, thu nhập anh cao hơn em”.
Ơ, quái, hình như ai cũng nghĩ thu nhập cao hơn đương nhiên phải đóng thuế cao hơn ấy nhỉ. Chắc cũng có lý do, cũng có cơ sở.
Bài này không bàn chuyện này mà bàn, hình như chúng ta chấp nhận mọi chuyện quá giản đơn và không thử lật lại vấn đề: ừ nhỉ, tại sao?.
Quay lại chuyện các hiệp sĩ cướp của người giàu chia cho người nghèo. Có lẽ chúng ta đồng ý với chuyện này vì giả thiết ẩn: người giàu là người xấu, thu nhập của họ được tạo ra từ bóc lột người nghèo, và đó là bất công, nên thay trời hành đạo, cướp của người giàu là đúng.
Phải không? Có thể lật lại giả thiết không? Nếu người giàu không xấu, nếu họ làm giàu chính đáng, thì liệu cướp của người giàu có còn là hiệp sĩ, có còn thay trời hành đạo?
Chắc các hiệp sĩ trong giấc mơ trẻ thơ của tôi, cũng chỉ cướp của kẻ xấu. Nhưng mà từ lúc nào cái khẩu hiệu này làm tôi sợ người giàu, mất rồi!
Không nói chuyện thời xưa, thời nay, người giàu trong xã hội ta với góc nhìn đại gia, hình như vẫn là những người xấu, là đối tượng đáng để xã hội lên án. Và họ phải trả tiền là đúng rồi, họ giàu mà!
Ai đó có thể viện ra lý do về công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo. Hình như đó chỉ là một nguỵ biện. Tôi làm việc chăm chỉ, có năng lực và kiếm được nhiều tiền, và tôi bị phạt đóng thuế cao hơn để cho người kém hơn tôi, (có thể là) lười hơn tôi có khoảng cách thu nhập với tôi nhỏ hơn? Phương pháp này có chắc tạo ra công bằng xã hội? Hay nó chỉ để cào bằng xã hội, và làm yếu đi động lực cạnh tranh và vươn lên của các nhóm trong xã hội? Thực ra lấy của người giàu chia cho người nghèo chỉ công bằng với người nghèo, chứ đâu có công bằng với người giàu? Đến đây, rất nhiều người sẽ nhảy lên “tại sao phải công bằng với người giàu?” – ka ka, đúng quá, lũ đó xấu xa, sao được hưởng công bằng!
Ôi đại gia!
(Note này để rèn bút, không có ý chê bai giàu nghèo, chỉ có ý hỏi: có chắc không?)
Dũng Vũ