Mấy ngày nay báo chí rầm rộ tuyến bài “Tôi trượt đại học”. Về tinh thần thì có thể hiểu, báo đang muốn hướng dẫn dư luận và chuẩn bị tâm lý thoải mái cho các em vừa thi rớt đại học. Chuyện này nhân văn.
Thế nhưng, đọc những bài viết này thì chẳng thấy thuyết phục lắm. Có lẽ do cách viết hiện nay thông thường là viết 1 chiều, nghĩa là nếu muốn tốt cho việc rớt đại học thì cái gì cũng sẽ tốt. Đại loại hàng loạt ví dụ đưa ra về những người thành công nhưng không có bằng đại học. Cái này có thể gây nên những hiểu lầm còn nguy hiểm hơn cả việc rớt đại học.
Có thể thấy ngay rằng với cách diễn đạt hiện nay, người viết có thể đưa người đọc đến một sự mơ hồ về khái niệm. Ở đây đã có sự lẫn lộn giữa hai khái niệm: 1). Bên cạnh đại học, còn nhiều con đường khác để vào đời, và 2) thi rớt đại học (thì cũng chẳng sao). Thực ra hai khái niệm này gần với nhau nhưng có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người viết đang nhập nhèm hai khái niệm này.
Khái niệm 1: bên cạnh đại học còn nhiều con đường khác cho các bạn trẻ tiến thân là một khái niệm rất hay cần làm rõ và theo mình các tác giả cũng như báo chí cần làm rõ khái niệm này. Và nên đi sâu vào chỉ rõ các con đường khác một cách khách quan. Việc đưa ra ví dụ về 1 vài bạn trẻ bỏ học đại học giữa chừng và có 1 vài kết quả nào đó, cần hết sức thận trọng vì có thể rất rủi ro. Bao nhiêu bạn như thế trong tổng số các bạn bỏ học? Làm sao phân biệt giữa bỏ học có định hướng, có nhận thức chín chắn và bỏ học vì ham chơi, vì thua cuộc? Tương tự các ví dụ về Bill Gate hoàn toàn có thể mang lại những hàm ý sai lầm cho các bạn trẻ. Cả thế giới chỉ có vài Bill Gate trong số bao nhiêu người (hàng triệu triệu người?) bỏ học giữa chừng.
Khái niệm 2: thi rớt đại học (thì cũng không sao?!). Sao chứ, sao lại không sao? Khi ta đã vạch ra mục tiêu, không chỉ ta, cả gia đình, thầy cô, nhà trường đều cùng song hành với ta từ khá lâu cho mục tiêu đó, tài nguyên (tiền bạc, thời gian, kỳ vọng) đều đã được đầu tư. Giờ ta rớt. Lại hóa ra chẳng sao cả ư? Tốt nhất ta vẫn nên rút 1 bài học sâu sắc về định hướng phát triển bản thân, đặt mục tiêu, kế hoạch và thực thi kế hoạch. Ta phải chấp nhận rằng ở bài kiểm tra này ta đã thua cuộc. Ta nên buồn (một chút) và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bài học để chuẩn bị rẽ sang con đường khác (khái niệm 1) hay chuẩn bị thi lại cho năm sau (con đường đại học). Bài học nào là tùy bản thân nhưng cần rút ra bài học và nghiêm túc.
Mặc dù hiểu tuyến bài mang tính chia sẻ với các em thi rớt năm nay (là thầy giáo mình cũng rất chia sẻ), nhưng với cách viết này, chúng ta có vẻ như đang cố gắng dỗ dành vuốt ve các em nhỏ, chứ chẳng phải cách nhìn thẳng vào sự thật và nói chuyện một cách thẳng thắn với các chàng trai/ cô gái tuổi 18 trưởng thành. Cứ dỗ dành thế, cứ đối xử thế, chúng ta chẳng mong có được một thế hệ trưởng thành trong nhận thức, trưởng thành từ cái vấp ngã đầu tiên. “Em ngã, chị nâng” là truyền thống, nhưng nâng thế nào cho tốt mới là câu hỏi?
Dũng Vũ