Thứ năm, Tháng mười 3, 2024
HomeTư duy phản biệnChuyện cô giáo bị kỷ luật hay bệnh qui kết “động cơ”

Chuyện cô giáo bị kỷ luật hay bệnh qui kết “động cơ”

1.

Chuyện Đại tá Phi Công hy sinh. Mọi người thương tiếc, tiễn đưa anh. Vợ Anh được Hà nội đặc cách nhận vào ngành giáo dục. Chuyện tưởng đóng như thế.

Thế nhưng, ngày 20/6, Cô giáo dạy văn ở Hà nội post một status trên facebook của cô “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này :)”.

Từ thông tin của [1], mình tóm tắt cô giáo đưa ra 2 bình luận (luận điểm):

  • Những thân nhân gia đình liệt sĩ khác có được đặc cách như thế hay không?
  • Cần giải quyết mọi chuyện theo qui chế.

Cũng từ [1], hầu hết các ý kiến phản đối cô đều không tập trung vào tranh luận 2 luận điểm mà cô nêu ra. Hầu hết chỉ tập trung vào “động cơ” của cô khi không đồng ý:

– “Nếu đồng cảm các chị sẽ không đưa vấn đề này ra để bình luận”

Sáng hôm qua 23/6, Chi Bộ trường nơi cô công tác họp khẩn cấp và quyết định kỷ luật Cô ở mức “Cảnh cáo” (đối với hành vi tuyên truyền gây hậu quả nghiêm trọng)

2.

Cũng sáng hôm qua, mình có dẫn bài của “Một giáo viên phản pháo việc tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải” [1]. Mình viết “Ý kiến trái chiều thì sao nhỉ? Cô giáo có cách nhìn khác về một quyết định thì sao? Thì tốt chứ sao, xã hội sẽ có thêm kiến thức nhờ tranh luận đa chiều. Còn bây giờ hình như ai nói khác cũng không được. Kỳ quái.”

Rất nhanh, status này cũng nhận được rất nhiều ý kiến, rất nhiều ý kiến đại loại như sau:

  • Vô cảm tàn nhẫn,
  • Ghen ăn tức ở,
  • Đây là việc làm tốt, nên làm; (Bình luận: đúng, đây là việc làm tốt, có ai nói không tốt đâu? Cô giáo chỉ nói có thể có cách làm khác tốt hơn thì sao?)
  • Xã hội mà không có tình người thì không đáng sống. Nếu nói không công bằng thì sẽ là công bằng với họ sao KHI NGƯỜI THÂN CỦA HỌ VÌ ĐẤT NƯỚC MÀ HI SINH. Những người theo tư duy xét lại toàn là những người NHẪN TÂM VA NGỤY BIỆN.
  • Mà sao cô giáo kia sao không có trái tim vậy. Người ta mất đi người chồng. Con mất cha.

3.

Câu chuyện thực ra rất giản đơn:

  • Cô giáo không đồng ý với cách làm “ đặc cách”, cô đề nghị làm theo quy chế. Nếu cần thì có hẳn quy chế đặc cách cho thân nhân của các liệt sĩ hy sinh vì dân tộc. Đây là 1 ý kiến, và nó cần được tôn trọng.
  • Tôi bổ sung cho cô: quy chế sẽ giúp hạn chế tùy tiện, lạm quyền, và vượt quyền của những người thực thi công vụ. Đây mới là vấn đề chính nên suy nghĩ. Ai làm quản lý đều hiểu tính 2 mặt của “đặc cách” và “linh hoạt”.
  • Chứ cô giáo có nói gì về chuyện cô không đồng cảm với gia đình liệt sĩ đại tá Trần Quang Khải đâu?
  • Các bình luận trên và kể cả chi bộ của cô đều không đi vào tranh luận lành mạnh về luận điểm của Cô mà đều tấn công “động cơ” cá nhân của cô – cái mà bản thân người tấn công suy diễn. Những bình luận này không đi vào trọng tâm, bản thân nó mang tính ngụy biện (nhưng lại lớn tiếng nói người khác ngụy biện), và nhiễm ngay căn bệnh qui kết “động cơ” của chương trình 60 phút mở của VTV mà chính họ trước đó lên án.

4.

Chuyện đáng buồn là ở chỗ: 1 ý kiến chỉ hơi khác 1 chút, thế là bị kết án, bị chửi bới, bị kỷ luật. Chúng ta thực sự muốn không khí xã hội sẽ như thế? Cả xã hội cùng 1 kiểu yêu thương, 1 kiểu đau buồn, 1 kiểu giải pháp, 1 cách suy nghĩ???

Cảm xúc, lòng nhân ái, lòng yêu nước, chân lý, không ai độc quyền. Mỗi người có một cách, thông qua trao đổi, tranh luận lành mạnh mà kiến thức của cộng đồng thăng hoa. Hãy để mọi người cùng phát biểu ý kiến của họ. Hãy tôn trọng và thưởng thức sự khác biệt. Chửi rủa, quy kết chỉ dẫn đến các “húy kỵ” của xã hội, để cấm ai đó nói khác mình.

(Bài viết này không mang tính chỉ trích, chỉ để làm rõ các vấn đề, xin lỗi vì dùng chính những comment của các bạn, nhưng như đã nói, tranh luận vì tôn trọng và vì sự thăng hoa của nhận thức chung. Thân ái.)

Tham khảo:

[1] http://www.baomoi.com/mot-giao-vien-phan-phao-viec-tuyen-dung-dac-cach-vo-phi-cong-tran-quang-khai/c/19678698.epi

[2] http://infonet.vn/chu-tich-ha-noi-khong-nen-ky-luat-co-giao-dam-y-kien-ve-quyet-dinh-dac-cach-post201963.info

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments