Công việc và gia đình là tâm điểm của cuộc sống mỗi người chúng ta. Việc cân bằng giữa trách nhiệm trong công việc và vai trò trong gia đình là nguồn gốc của căng thẳng cho rất nhiều người bởi vì sự quá tải của nó. Nó xảy ra bởi nhiệm vụ của vai trò này gây ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiêm vụ của vai trò khác. Sự quá tải cũng xảy ra khi những tình huống hay những mối quan hệ của một khía cạnh gây ảnh hưởng đến một khía cạnh khác trong cuộc sống. Cân bằng giữa công việc và gia đình không hề dễ dàng, nhưng sự hạnh phúc nó đem lại tất nhiên rất có giá trị.
Phần 1: Xác định giá trị của bản thân
1. Xác định những giá trị này cho bản thân và gia đình
Giá trị ở đây có thể là nguyên tắc, tiêu chuẩn, hay phẩm chất được xem là có giá trị hoặc được mong muốn. Những giá trị này sẽ hướng dẫn cho hành động của ta, cũng như thiết kế cuộc sống của ta.
- Những khía cạnh mà các giá trị của chúng ta thể hiện có thể bao gồm làm việc nhà, nấu nướng, chăm sóc con cái, bảo quản xe cộ và nhà ở, mối quan hệ vợ chồng, bố mẹ – con cái, giáo dục, chính trị, tôn giáo, vâng vâng.
- Việc xác định giá trị của bản thân chính là chìa khóa để quản lý công việc và những yêu cầu từ gia đình. Chúng sẽ thông báo cho bản thân biết điều gì quan trọng trong cuộc sống của bạn, và điều gì ảnh hưởng đến bạn. Thông thường, chúng ta ít khi để ý đến giá trị bản thân hoặc đặt câu hỏi về chúng cho đến khi gặp phải vấn đề.
2. Suy nghĩ cẩn thận và sâu sắc
Hầu hết chúng ta đều nhận thức phần nào về giá trị bản thân, nhưng chúng thường mơ hồ. Rất nhiều những giá trị của bản thân chúng ta vẫn chưa được khám phá. Những giá trị mà ta không nhận thức được thường dẫn đến stress. Sự căng thẳng này có thể được hiểu rõ và giải quyết một khi ta trở nên đồng bộ hơn với những giá trị của mình.
3. Hãy xem xét đến những giá trị gây xung đột với những giá trị khác
Ví dụ, giả sử bạn cho rằng nên đi làm sớm, và bạn cũng cho rằng phòng bếp luôn phải được dọn trước khi ra khỏi nhà? Bạn phải sửa những giá trị mâu thuẫn này như thế nào? Những mâu thuẫn như thế này có thể gây căng thẳng và khiến bạn cảm thấy kiệt sức, bất mãn, cho đến khi bạn xem xét lại những giá trị này và cách chúng tương tác với nhau.
- Điều chỉnh hoặc ưu tiên một số giá trị nhất định là một cách để làm dịu sự xung đột giữa chúng. Ví dụ, bạn ưu tiên cái nào hơn, đi làm sớm hay là dọn sạch bếp? Hãy xác định điều nào quan trọng hơn và thực hiện chúng.
Phần 2: Đặt ra những kì vọng và mục tiêu
1. Đặt mục tiêu
Các mục tiêu rất quan trọng bởi chúng giúp ta xác định cách ta sử dụng thời gian như thế nào.
- Các mục tiêu sẽ bao gồm các lời khẳng định như “Tôi muốn sở hữu công việc kinh doanh riêng vào lúc 40 tuổi”, hoặc “Tôi muốn tốt nghiệp đại học trước khi lập gia đình”. Các giá trị định trước này sẽ giúp hình thành mục tiêu và đồng thời cho chúng ta động lực thúc đẩy cần thiết để đạt được chúng. Những giá trị tiềm ẩn của 2 ví dụ trên chính là thành tựu cá nhân và giáo dục.
2. Phân biệt giữa các mục tiêu cụ thể và các mục tiêu trừu tượng
Một số mục tiêu có thể cụ thể và rõ ràng, như 2 ví dụ trên. Tuy nhiên, một số khác sẽ trừu tượng hơn, liên quan đến sự hạnh phúc của bạn. Ví dụ, bạn muốn xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau với bạn bè, nuôi dưỡng và dạy dỗ nên những đứa con khỏe mạnh và có trách nhiệm, hoặc trau dồi sâu hơn hiểu biết về bản thân.
3. Xếp hạng các mục tiêu
Để tránh làm bản thân căng thẳng, ta có thể ưu tiên một số mục tiêu, buông bỏ một số, và hiệu chỉnh những cái khác nếu cần. Hãy nghĩ về những thứ bạn muốn có trong cuộc sống khi sắp xếp cho thứ tự này.
4. Xem xét đến những kì vọng cá nhân và xã hội, sự nhận thức và thái độ
Mọi người đều có ý tưởng về cách mà mọi thứ “nên” vận hành, và cách mà mọi người “nên” cư xử trong một số trường hợp nhất định. Thông thường, những kì vọng, nhận thức và thái độ này đến từ một tập hợp các giá trị của từng người chúng ta, và dần trở thành một chuẩn mực trong xã hội.
- Việc xác định những thứ “nên làm” trong cuộc sống sẽ khó hơn nhiều so với việc xác định mục tiêu của mình. Bởi vì những thứ “nên làm” ấy không hề rõ ràng. Tuy nhiên, việc giữ vững thái độ và những kì vọng không phù hợp với nhu cầu hiện tại của bạn sẽ gây nên xung đột và căng thẳng. Phần đông chúng ta đều kì vọng cao, muốn có tất cả, muốn trở nên thật ý nghĩa, và “hoàn hảo” về mọi mặt trong cuộc sống. Nhưng ta thường kiệt sức và không đủ khả năng hoàn thành các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống ta, khi cứ mải theo đuổi những kì vọng mơ hồ và không thiết thực này. Trước khi để mọi việc đi quá xa, hãy dừng lại và xem xét thái độ và kì vọng của bản thân, và thay đổi những thứ chưa giúp ích cho bạn.
5. Hãy linh hoạt và thích ứng
Hãy mềm mỏng với bản thân khi bỏ lỡ thứ gì đó. Trong các tình huống khác, hãy chấp nhận rằng sẽ có những thứ phát sinh, khiến bạn phải điều chỉnh lại mục tiêu của mình. Bạn cũng có thể thương lượng với bạn đời của mình, đồng nghiệp, sếp về thứ mà bạn cần.
- Hãy cởi mở trước sự thay đổi. Đừng trở nên quá thoải mái, bởi vì ngay cả khi mọi thứ trông có vẻ ổn, nó vẫn có thể thay đổi trong nháy mắt.
Phần 3: Quản lí thời gian và sắp xếp ưu tiên
1. Đề ra các ưu tiên
Đây là một phần rất quan trọng để quản lý thời gian hợp lí. Việc xoay vòng giữa công việc và gia đình, dành thời gian cho bạn bè, người thân và thời gian cá nhân không hề dễ dàng. Cho dù chúng ta trông có vẻ có đủ thời gian, nhưng không có nghĩa rằng ta đang sử dụng thời gian một cách hợp lí. Hay nói cách khác, có thể ta đang làm tốt công việc, nhưng chưa chắc chúng ta đang làm đúng việc cần làm. Thường những việc ta đang làm không giúp ích nhiều cho mục tiêu cuối cùng của ta, nhất là những mục tiêu trừu tượng. Một trong những cách khắc phục điều này chính là ưu tiên cho những mục tiêu quan trọng, và xác định đâu là cái quan trọng nhất trong tương lai gần, trung, và xa.
- Một khi bạn đã xác định được những mục tiêu quan trọng nhất của mình, hãy hướng đến chúng đầu tiên và lâu dài. Đừng để bị phân tâm cho các mục tiêu khác, nhưng đồng thời cũng hãy cố gắng chú ý đến những cái cần sự quan tâm tức thời.
2. Đo lường các mục tiêu dựa trên thời gian có sẵn
Hãy hỏi bản thân xem bạn cần làm gì, vào ngày cụ thể nào để có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra của mình.
- Hãy xác định một mốc làm chuẩn cho mục tiêu của mình. Bạn biết mình đã đạt được chúng dựa vào dấu hiệu nào?
3. Đặt ra ranh giới và giới hạn
Những điều này sẽ gúp bạn định hướng làm sao để quản lý không, thời gian, giúp bạn liên kết và điều chỉnh những cảm xúc của mình. Các ranh giới thể hiện mức độ trách nhiệm và quyền hạn của bạn; chúng cũng thể hiện cho người khác biết về những gì bạn sẵn sàng làm và chịu trách nhiệm.
- Sẵn sàng nói “Không”. Hãy nhớ rằng: từ chối một việc mà hiện tại bạn không thể chịu trách nhiệm thêm là đặc quyền của bạn; đây chính là cách để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Ví dụ, nếu sếp của bạn yêu cầu bạn làm ngoài giờ nhưng bạn đã hứa sẽ đi xem buổi biểu diễn của con mình, bạn có thể nói rằng bạn đã có hẹn từ trước, và tìm giải pháp thay thế.
- Hãy đặt giới hạn cho thời gian. Giải quyết các vấn đề hằng ngày theo từng khoảng thời gian nhất định. Hãy tìm hiểu xem bạn có thể dành ra bao lâu cho từng công việc khác nhau.
Phần 4: Lên kế hoạch và giao tiếp hiệu quả
1. Sắp xếp mọi thứ hàng ngày
Tạo các thói quen hàng ngày và lên kế hoạch cẩn thận, thay vì đối phó một cách tạm bợ với bất cứ điều gì xảy đến. Hãy lên kế hoạch trước và chuẩn bị sẵn sàng cho những nhu cầu của mình.
- Chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch dự phòng để lường trước những tình huống nguy cấp là một cách hay. Qua đó, bạn được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng.
- Thiết lập mạng lưới hỗ trợ cho bạn. Hãy kết nối với bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp, và các chuyên gia. Hãy sẵn sàng yêu cầu giúp đỡ mỗi khi bạn cần.
2. Dành thời gian giải lao trong lịch trình hàng ngày
Để mỗi ngày của bạn được cân bằng và hạnh phúc hơn, hãy nhớ dành thời gian cho những hoạt động khác ngoài công việc.
- Hãy tập các thói quen tốt, như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, thiền và những khoảng thinh lặng khác. Có rất nhiều phòng gym mở vào giờ nghỉ trưa, và có thẻ giảm giá cho khách hàng thân thiết, bạn có thể tham gia.
3. Thời gian hoàn toàn dành cho gia đình và bạn bè
Không việc gì có thể khiến bạn đổi lịch trình cho một cuộc họp đã được lên từ trước. Vậy bạn hãy áp dụng tương tự cho cuộc sống gia đình của mình. Lên lịch cho khoảng thời gian này từ trước sẽ giúp bạn sắp xếp sao cho những việc khác không ảnh hưởng đến thời gian này. Hãy đặt tầm quan trọng của gia đình ngang, thậm chí hơn công việc, và đừng bỏ lỡ khoảnh khắc quây quần bên nhau này.
- Ăn chung với nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng bữa cùng nhau sẽ giúp cả gia đình hạnh phúc hơn, về mặt tinh thần, tâm lí và thể chất. Những gia đình thường xuyên dùng bữa cùng nhau có tỉ lệ về bạo lực, trầm cảm thấp hơn, cũng như sự tự tin cá nhân và điểm số học tập cao hơn. Ăn chung với nhau giúp cả nhà kết nối và quan tâm nhau hơn; và có thể trở thành khoảng thời gian được mong chờ nhất trong ngày cho cả trẻ em và người lớn.
- Dành thời gian cho mọi khoảnh khắc, dù lớn hay nhỏ. Hãy ăn mừng mỗi khi đánh dấu một cột mốc, thành tựu nào đó, hoặc là lễ tốt nghiệp, sinh nhật, và ngày lễ chung với gia đình, kể cả những cột mốc nhỏ hơn (như con bạn thắng một cuộc thi). Điều này sẽ giúp cho từng thành viên cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn.
4. Những buổi chiều rảnh
- Làm vài việc đơn giản với gia đình. Nó không cần phải đặc biệt hoặc kéo dài, chỉ cần là việc mà mọi người có thể làm chung với nhau, ví dụ như tưới cây trong vườn, chăm sóc bãi cỏ, đi dạo cùng nhau… Miễn là bạn thư giãn và quan tâm đến họ, họ sẽ cảm thấy được trân trọng và yêu thương.
- Tận hưởng khoảng thời gian trước khi ngủ nếu bạn có con cái, bao gồm tắm rửa, đọc sách cho chúng nghe, và đưa chúng lên giường. Những khoảnh khắc này sẽ giúp con bạn biết rằng bạn quan tâm và luôn kề bên chúng.
- Dùng khoảng thời gian này để quan tâm đến ngày làm việc của người bạn đời của mình. Hãy hỏi về ngày của họ và đưa ra lời khuyên, hoặc đơn giản là chỉ lắng nghe. Thói quen này rất quan trọng trong mối quan hệ của bạn, bên cạnh những hành động lãng mạn khác.
5. Bỏ những hoạt động vô bổ
Chúng ta tốn rất nhiều thời gian vào ti vi, mạng, trò chơi điện tử,… Hãy cố gắng bỏ những thứ vô ích, khiến bạn dễ bị phân tâm này.
- Hãy phân thời gian rõ ràng cho việc lướt web, xem TV, và chơi điện tử,… Hãy xác định bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian cho chúng. Ví dụ, nếu chương trình TV yêu thích của bạn chiếu một tiếng vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần, hãy dành thời gian để xem nó, nhưng hãy hoàn thành các việc khác từ trước chứ đừng để bị cám dỗ. Hãy xem việc coi TV như một hoạt động bị hạn chế về thời gian, hơn là một thứ để giết thời gian. Hãy tự hỏi bản thân “Điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời mình?”. Thường xuyên xem lại những giá trị của bản thân là một cách tốt để giúp bản thân không bị phân tâm bởi những thứ không quan trọng.
6. Tâm sự với người thân và bạn bè về khối lượng công việc của mình
Hãy tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của bạn. Với sự cởi mở, bạn có thể tránh được sự oán trách bởi những người thân thuộc của mình.
- Hãy giải thích cho người thân và bạn bè của bạn về lí do tại sao bạn không thể hoàn thành những thứ mà họ muốn bạn làm (ví dụ, bạn bỏ lỡ buổi lễ trong trường bởi vì quy định nơi làm việc không cho phép). Việc cởi mở và giải thích rõ ràng sẽ giúp người khác hiểu và thông cảm cho tình huống của bạn.
Phần 5: Buông bỏ
1. Đánh giá lại ý nghĩa của việc nắm kiểm soát
Rất nhiều lần chúng ta cảm thấy mình nắm kiểm soát tốt hơn nếu như được tự làm mọi thứ. Tuy nhiên, điều này ngăn ta đạt được mục đích của mình, bởi chúng ta không phải siêu nhân.
2. Phân công, và chia việc để đạt yêu cầu mong muốn
Mặc dù phần lớn chúng ta thường ngại chia việc bởi vì sợ mất đi sự kiểm soát, nhưng thực chất, việc phân chia công việc giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Ta sẽ không bị kiệt sức, và có thể hoàn thành tốt những việc quan trọng còn lại. Phân chia công việc không hề dễ dàng bởi vì nó yêu cầu sự tin tưởng lẫn nhau; tuy nhiên, đây chính là chìa khóa giúp bạn đạt được sự cân bằng trong cuộc sống.
- Ví dụ, bạn có thể nhờ người trông trẻ nấu giúp bữa tối trước khi bạn đi làm về, hoặc nhờ họ dọn dẹp sơ trước nhà cửa. Điều này sẽ giúp bạn phần nào việc nhà.
3. Thỏa hiệp
Hãy tìm cách đơn giản hóa cuộc sống của bạn mỗi khi có thể, tùy vào tình hình của bạn.
- Ví dụ, nếu bạn không thể nào tìm được thời gian rảnh để đi siêu thị mua đồ hàng tuần, hãy thử mua sắm online. Bạn có thể tùy chọn thứ bạn cần và được giao hàng tận nơi. Trả thêm một chút tiền là hoàn toàn xứng đáng với khoản thời gian tiết kiệm được, tùy thuộc vào tình huống của bạn.
- Hãy tìm các của hàng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ bạn tiết kiệm thời gian, như tiệm giặt ủi hoặc giao sữa tại nhà.
4. Đừng cảm thấy tội lỗi
Rất nhiều người cảm thấy dằn vặt bởi vì đã chọn đi làm thay vì ở nhà; hoặc ngược lại. Điều này không giúp ích được gì cả.
- Hãy chấp nhận rằng bạn không thể nào ôm đồm hoặc làm được hết tất cả mọi thứ. Thay vào đó, hãy nhận ra rằng, điều quan trọng nhất là bạn sẽ cố gắng hết sức, bất kể tình huống đang đối mặt là gì đi chăng nữa. Thay vì thường xuyên cảm thấy tội lỗi, hãy tập trung lại năng lượng của mình để cống hiến hết sức – trong mọi mặt của cuộc sống – với thời gian mà bạn có.
5. Kết hợp thư giãn và thời gian trống vào lịch trình của bạn
- Hãy thư giãn bản thân với những hoạt động cá nhân. Tập thể dục, đi bộ, nghe nhạc, đọc sách, nấu ăn hoặc tham gia lớp học yoga. Những khoản thời gian trống này rất quan trọng để bạn chăm chút cho bản thân, từ đó có thể đương đầu với những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
- Hãy dành một đêm trong tuần để biến nó thành một buổi tối vui vẻ cho bạn và gia đình. Bạn có thể lên kế hoạch xem phim tại nhà, chơi game, hoặc đi ra ngoài chơi. Mọi người đều bị cuốn vào lịch trình hàng ngày của họ, nên sẽ là một ý hay nếu có một đêm mà mọi thứ dừng lại, và các thành viên được nối kết với nhau.
6. Tránh những người tiêu cực
Hãy làm quen với những người có thể tăng năng lượng cho bạn, giúp bạn cảm thấy tích cực, thoải mái, và được chỉ dẫn. Và hãy tránh những người nhiều chuyện, hay phàn nàn, hoặc có các thái độ tiêu cực.