Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeTư duy phản biệnÂn nhân hoá tử thù?

Ân nhân hoá tử thù?

man in grey crew-neck t-shirt smiling to woman on counterCó những chuyện, những thứ ranh giới thật mong manh. Ví dụ: tình nhân, yêu và hận chỉ trong gang tấc, sáng nắng, chiều mưa. Cũng thế ân nhân hoá tử thù, mong manh!

Câu chuyện người phụ nữ gẫy chân, được mổ, rồi biến chứng, và mất, cứ làm mình suy nghĩ vẩn vơ. Các bác sĩ (giả thiết) cũng với cùng nỗ lực, nếu cứu sống người bệnh thì là ân nhân, còn nếu không may biến chứng y khoa xảy ra, người bệnh không qua khỏi, thì thành kẻ thù ư?

Tất nhiên nếu bệnh là ung thư, hay cái gì đó nghe nghiêm trọng hơn, thì sự hờn căm của người nhà không dồn lên bác sĩ như thế, nhưng câu chuyện khác đi, khi bệnh có vẻ nhẹ hơn, và biến chứng lạ xảy ra, trái với hiểu biết và kỳ vọng thông thường của chúng ta. Rồi trong cái bầu không khí ngột ngạt của sự thiếu vắng niềm tin đó, ân nhân có thể trở thành tử thù trong gang tấc.

Mình không cố đi vào ví dụ cụ thể này, vì đau thương đã xảy ra. Mình chia sẻ nỗi đau. Bài này Mình chỉ đứng trong vai trò của người quan sát, nhìn vào các lập luận hiện nay của cộng đồng. Hầu hết (có hình thái) là nguỵ biện. Đầu tiên là mệnh đề “gẫy chân, vào viện, mất mạng”. Cái này gây ra sự căm phẫn vì nó trái với hiểu biết và kỳ vọng thông thường của chúng ta. Nó được nhiều người viện dẫn, vì nó là chỗ dựa cho các bức xúc, nhưng rất tiếc nó không phải là một lập luận mạnh. Đơn giản chỉ vì nó không đi vào phân tích bản chất, nguyên nhân cái chết, mà chỉ đơn giản nói “gẫy chân”, mà “chết trong bệnh viện”.

Mệnh đề 2, khi các bác sĩ và hội đồng khoa học đưa ra nhận định dựa trên các quy trình, thì lập tức hàng loạt các phản ứng kiểu “lại quy trình, chết cũng theo qui trình”, rồi ra sức cho là các bác sĩ, bệnh viện vô cảm, qui trình lạnh lùng… Khách quan mà nói, đây cũng lại là một nguỵ biện khác. Bản chất qui trình có lỗi gì đâu, quản lý ở đâu mà chẳng phải có qui trình? Thử đến bệnh viện, công sở, mà không có qui trình, thì sẽ thấy chúng ta bực bội đến thế nào với sự hỗn loạn đó. Mặt khác chính những qui trình này đã cứu thành công hàng trăm hàng ngàn bệnh nhân. Vấn đề không phải là qui trình mà là chỉ ra trong qui trình đó cái gì sai, ai sai, sai thế nào? Còn nếu chỉ đơn giản lớn tiếng chửi các qui trình chung chung thì nguỵ biện vẫn hoàn nguỵ biện, đau thương vẫn hoàn đau thương.

woman using white device

Xin mượn câu “bức xúc không làm ta vô can” để nói về ví dụ này. Bức xúc nhưng chỉ dựa trên các nguỵ biện hay các mệnh đề mơ hồ thì không giúp cho ai được điều gì. Nếu thực sự có trách nhiệm và hoài nghi thì cần thu thập minh chứng, điều tra, và đưa ra các bằng chứng nhận định khách quan. Đến đây rất nhiều người sẽ cười và nói, làm sao làm được thế, bệnh viên che dấu hết rồi, mình cũng đâu có công cụ và kỹ năng để điều tra. Mình hoàn toàn đồng ý. Chỉ nói rằng, bức xúc mà cảm tính, nguỵ biện, thì vô nghĩa. Và đi tìm sự thật rất tốn kém, công phu, và đòi hỏi hy sinh. Sự thật đâu có rẻ, nó đôi khi phải trả bằng máu và danh dự. Thế nên bức xúc mà không dám dấn thân đi tìm sự thật và hành động trách nhiệm, thì vẫn chỉ là những anh hùng bàn phím mà thôi. Thế nên khi có những người dám xả thân đi tìm sự thật thì tất cả chúng ta, những ai có lương tri cần hỗ trợ họ, bằng mọi giá. Thế nhưng, hầu như những người đó, rất cô đơn, đơn độc trên con đường tìm sự thật, đấu tranh với cái xấu. Đừng chỉ trách cái xấu mà hãy trách chính mình cũng chẳng giúp cho cái tốt đâm trồi.

Hãy nhìn thủ lĩnh sinh viên Hông Kong 19 tuổi, chàng trai có tên Joshua Wong để thấy tấm gương dấn thân của giới trẻ thế giới. Hay tấm gương của nữ thủ lĩnh đảng đối lập của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi để thấy từ bức xúc đến một cuộc đấu tranh vì chính nghĩa có khoảng cách và được truyền cảm hứng như thế nào.

Quay lại, câu chuyện thật đáng tiếc. Sự ra đi của người thân luôn là nỗi đau khó chấp nhận, nhưng hãy cẩn thận, đừng vì quá đau buồn mà biết đâu lại biến ân nhân thành tử thù.

Dzung Vu

Image source: unsplash

RELATED ARTICLES
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments